Theo ông Thành, chợ đã thiếu- ngay cả các chợ còn lại cũng đang bị “tắc nghẽn mạch máu” bởi giao thông không thuận lợi, nhiều chi phí “ngoài lề”.
Trả lời phỏng vấn, ông Trần Trọng Thành vô cùng trăn trở với việc phát triển hệ thống chợ ở Việt Nam. Theo ông, chỉ khi có chợ thực sự, và có đủ chợ, nông dân mới giàu có, đất nước mới phát triển
Vì sao ông lại có nhận định Việt Nam đang thiếu chợ?
- Đó là thực tế, cứ nhìn về các vùng quê, rất nhiều vùng nông dân không bán được nông sản của họ ở chợ, mà chấp nhận bán cho thương lái và bị ép giá, thậm chí gần đây thương lái nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) còn tham gia trực tiếp vào quá trình buôn bán này gây bất ổ định mặc dù họ không có giấy phép. Vì khuất giá, vì không có mặt bằng giá chợ để so sánh nên họ đành phải chịu.
Chợ truyền thống vẫn chiếm ưu thế ở Việt Nam.
Còn nhìn từ góc độ một cái chợ điển hình về bán buôn ở miền Bắc như chợ Đồng Xuân (Hà Nội) thì nhìn trên bản đồ, đường vào chợ cực kỳ khó, vấn đề dừng đỗ, vận chuyển hàng hóa cũng vậy. Vận chuyển hàng vào hay chuyển ra cũng đều rất khó khăn. Cho nên về thực tế, tính giao thương rất thấp. Người ta có thể nói tôi chỉ đến chợ giao dịch và xem mẫu tại đây nhưng tôi lấy hàng nơi khác. Tuy nhiên, như vậy chi phí rất lớn và việc xem mẫu hàng với việc nhập hàng tương đối khác nhau… Theo tôi nghĩ, với những chợ đầu mối giao thương thì phải xây dựng ít nhất 3 cái cỡ lớn, có quy mô khoảng 50-100ha ở 3 miền Bắc, Trung, Nam…
Hà Nội đã từng có 5 chợ đầu mối cỡ lớn như Bắc Thăng Long, Xuân Đỉnh, Minh Khai… với diện tích 2-3 ha nhưng rồi bị bỏ hoang. Theo ông, vấn đề liệu có phải là chúng ta thiếu chợ mà là kinh doanh chợ không hiệu quả?
- Tôi đã từng theo dõi việc đầu tư chợ ở Đông Âu, việc quy hoạch chợ như thế phải có ít nhất diện tích 50-100ha. Còn về việc chợ bỏ hoang thì phải xem xét các vấn đề về giao thông, sự thân thiện của chính quyền và các yếu tố giúp nó vận hành tốt, cũng như những thương nhân nòng cốt tham gia như thế nào khi bắt đầu mở chợ.
Thực tế chợ đầu mối buôn bán nông sản chỉ là một phần. Chúng ta thiếu các chợ bán nguyên phụ liệu các ngành công, nông nghiệp. Rất nhiều doanh nhân kêu ca là Việt Nam đang thiếu chợ, khi cần mua không biết mua ở đâu và khi cần bán không biết bán như thế nào. Toàn bộ nền kinh tế đang trong hoàn cảnh như thế. Khi chúng ta tham gia vào TPP, chúng ta phải giải quyết bài toán này chứ không chúng ta lại trở thành nơi gia công cho các công ty đến từ Trung Quốc.
Là một doanh nhân từng đầu tư xây chợ, theo ông, vì sao chúng ta chưa đầu tư, xây dựng được những khu chợ hiệu quả?
- Nguyên nhân không phải từ chợ mà cả các yếu tố xung quanh, đấy là vấn đề mà chúng ta không giải quyết được trọn gói, điều này có thể gọi là “tắc nghẽn mạch máu …"
Cuối năm 2009 – 2010 chúng tôi tổ chức một hội chợ kết nối đầu tư mang tên IFIT 2010, nhiều Việt kiều có kinh nghiệm làm chợ tham gia sôi nổi. Sau hội thảo đó, chúng tôi bắt đầu đi các huyện vùng nông thôn khảo sát để đầu tư xây chợ. Chúng tôi từng đi từ 4h sáng để khảo sát, lên kế hoạch xây dựng, vẽ mô hình… Ai cũng tưởng các doanh nhân sẽ kiếm được rất nhiều tiền từ việc xây chợ. Nhưng rồi kết quả là hầu hết đều bỏ cuộc… lý do thì có nhiều.
Tôi đã chứng kiến giai đoạn chuyển đổi của mô hình chợ bên Đông Âu và tôi thấy rằng họ quy hoạch khá bài bản và làm rất tốt từng bước một. Ban đầu, họ vẫn để nhiều chỗ "buôn thúng bán mẹt" nhưng sau đó về cơ bản đã chuyển đổi rất hiện đại. Còn ở Việt Nam, gần 30 năm qua không có sự thay đổi mô hình chợ, vẫn kiểu buôn bán tiền mặt, chợ truyền thống. Nói không quá nếu như ai đó cho rằng mô hình chợ của chúng ta không tốt hơn thời Pháp thuộc là mấy, cho dù lượng trao đổi hàng hóa tăng gấp rất nhiều lần. Điều đó cho thấy, bài toán kết nối của mình làm chưa tốt, nếu có chợ tốt sẽ khơi thông được rất nhiều thứ.
Nếu tư vấn cho nông dân thì ông tư vấn như thế nào để nông dân bán hàng một cách khôn ngoan nhất trong bối cảnh mà theo ông đánh giá là chúng ta chưa có một cái chợ đúng nghĩa?
- Hôm trước tôi có đi theo một đoàn doanh nhân Nhật Bản về thu mua chuối, hiện tại Việt nam có hai vùng nguyên liệu đó là Lào Cai và Hưng Yên. Ở Hưng Yên hầu như không có vùng thu mua tập trung và nông dân huyện Khoái Châu có nói cả huyện có hàng nghìn ha trồng chuối thế nhưng các điểm thu mua của họ chỉ là những ngôi nhà ven đường có diện tích 40 – 50m2. Những điểm này tiện đường giao thông, nhưng chỉ xe nhỏ đi được chứ xe container không vào được. Ngoài ra, chuối sản xuất cũng không theo quy trình, không bọc gói đúng quy cách để bảo quán tốt nhất. Các doanh nhân Nhật nói họ sẽ hỗ trợ nông dân điều đó.
Tuy nhiên, vấn đề đối với người dân ở đây là bán sản phẩm. Theo tôi, để sản xuất và bán hàng khôn ngoan thì cần phải lập lại mô hình HTX, mô hình này hơi giống với mô hình công ty cổ phần bởi vì cũng bầu ra người gọi là chủ tịch HTX và nhân vật này phải chịu trách nhiệm về sản phẩm. Ví dụ, có 10 gia đình trồng chuối, mỗi gia đình có 5ha diện tích trồng chuối tổng là 50ha, diện tích này được góp vào trong HTX, mỗi gia đình tham gia được 10%. Sau đó bầu ra một người làm chủ nhiệm và ban lãnh đạo họ sẽ phải lo tất cả mọi thứ như cung ứng vật tư nông nghiệp, giám sát quy trình trồng chuối chuẩn, tìm chợ, tìm mối buôn bán có lợi cho cả HTX. Chúng ta phải tạo ra một lớp trung gian công khai hóa, minh bạch hóa và khi có những HTX này rồi thì việc kiểm tra của nhà nước đơn giản đi rất nhiều.
Đó là vai trò tổ chức sản xuất, vậy sản phẩm ra tới chợ như thế nào, thưa ông?
- Như tôi nói ban đầu về cái chợ 50-100 ha. Để có cái chợ như thế, chúng ta phải có các mô hình HTX như tôi vừa mô tả. Họ sẽ giới thiệu sản phẩm, tổ chức bán hàng ở chợ với tư cách là người bán hàng đầu mối và tạo thương hiệu cho mặt hàng nông sản của họ. Ngoài ra họ có thể liên kết, giao hàng cho những quầy hàng khác ở chợ, như vậy chúng ta sẽ có được mặt bằng giá công khai minh bạch. Việc xây dựng cổng thông tin điện tử kết hợp chợ online và truyền thống cũng là yếu tố khá quan trọng để hàng hóa được tiêu thụ dễ dàng hơn.
Những con người từ 15-20 năm trước đã đầu tư làm chợ rất thành công ở Đông Âu, như anh Phạm Nhật Vượng. Chỉ cần khai thác kiến thức, trí tuệ của một mình anh Vượng cũng đủ để xây dựng những khu chợ hiệu quả.
Với cách đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, … chứ như hiện nay là rất không rõ ràng. Điều quan trọng là ở chợ đó, chúng ta kiểm soát được chất lượng, thuế.
Tuy nhiên không phải vùng nào cũng tập trung trồng 700-1.000 ha mặt hàng nông sản nào đó, rất nhiều vùng có sản phẩm nông sản nhỏ lẻ. Làm thế nào để đưa sản phẩm tới cái chợ đầu mối như mô tả của ông?
- Cái bài toàn này thì lại rất đơn giản, ví dụ như ở mô hình chuối Hưng Yên không cần phải xây dựng một cái chợ chuối mà chỉ cần có một nơi gọi là nhà kho để đóng gói, vận chuyển chuối đến chợ. Các mặt hàng khác cũng thế.
Tôi cũng phải nói rõ, cái chợ 100ha ấy không phải bắt đầu xây nó đã là 100ha ngay, mà bắt đầu từ 10-15ha. Mô hình chợ này là mô hình không phải cá nhân có thể làm được mà cần cả cộng đồng, cả xã hội, đặc biệt là các cấp chính quyền cùng ủng hộ. Mỗi một nơi nó phải có bài toán tổng thể và mỗi một địa phương, mỗi một tỉnh phải có hẳn một Phó Chủ tịch tỉnh am hiểu về thương mại mới có thể làm được.
Xin cảm ơn ông!
Về mô hình chợ, chúng tôi có thể cùng trao đổi, tư vấn đưa ra toàn bộ mô hình cả nước cần xây dựng bao nhiêu cái chợ, nó nằm ở chỗ nào, giao thông đến với chợ như thế nào và nhà nước phải hoạch định chính sách ra sao. Có hai thứ chúng ta phải làm chợ, thứ nhất đó là chợ giành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thứ 2 là chợ cho nông dân và người làng nghề. Tất cả chợ này người Việt từng làm thành công ở nước ngoài, nhưng không hiểu sao không thể làm được ở Việt Nam?