Vì sao nhà mạng không thể công khai chi phí 3G?

Theo một chuyên gia viễn thông, mục đích lần tăng cước này là nhà mạng đẩy nhanh thu hồi vốn đầu tư vào hạ tầng mạng 3G.

Mong người dùng thông cảm

Giải thích về việc tăng cước 3G, các nhà mạng khẳng định thời gian qua bị lỗ, giá cước bán ra cho người dùng thấp hơn giá thành. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi mức cụ thể là bao nhiêu, gồm những chi phí nào, đại diện MobiFone chỉ trả lời chung chung là: chi phí sản xuất kinh doanh viễn thông, tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp và các chi phí khác... chứ không công khai mức giá thành cụ thể.

Theo vị này, MobiFone là nhà khai thác dịch vụ viễn thông di động mặt đất, cung cấp các dịch vụ: thoại, sms, data, các dịch vụ ứng dụng trên mạng viễn thông..., không hạch toán riêng từng dịch vụ mà hạch toán chung toàn bộ doanh thu, chi phí phát sinh trên mạng.

Mức cước của MobiFone đối với một số gói chỉ bằng khoảng 50% giá thành, tỉ trọng doanh thu dịch vụ 3G ngày càng tăng thì mức bù giá của MobiFone càng lớn”, vị này nói. Tuy nhiên, phía MobiFone từ chối trả lời doanh thu cụ thể của dịch vụ 3G trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, cũng như tổng mức lỗ của dịch vụ 3G.

Dù than lỗ nếu không tăng cước 3G, nhưng các nhà mạng đều từ chối công khai chi phí.

Trước phản ứng của người tiêu dùng về việc tăng cước quá sốc, MobiFone mong muốn khách hàng hiểu và đồng cảm cho những khó khăn của nhà mạng. “Việc điều chỉnh cước lần này nằm trong lộ trình từng bước tuân thủ quy định của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông, đảm bảo giá cước dịch vụ không thấp hơn giá thành và đã được Bộ Thông tin truyền thông phê chuẩn, nên MobiFone sẽ vẫn tiếp tục thực hiện” - đại diện MobiFone khẳng định.

Trước ý kiến cho rằng, nhà mạng cũng cần sòng phẳng với người tiêu dùng, đó là giảm cước ở những dịch vụ trước đây có lời cao để bù cho dịch vụ 3G, các nhà mạng lại cho biết, những dịch vụ khác đã được bán với giá gần sát giá thành nên không thể thực hiện giảm giá.

Ông Sơn Hải, Phó trưởng phòng kinh doanh Vinaphone còn viện lý do, tăng cước ngoài các yếu tố cấu thành giá phức tạp còn có sự tác động của yếu tố khách quan, như: xăng, dầu, điện, vật liệu xây dựng... Ngoài ra còn phải kể đến chi phí tối ưu hệ thống thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp đến khách hàng.

Đẩy nhanh thu hồi vốn

Ông Phạm Tiến Thịnh, Tổng giám đốc công ty cổ phần mạng Tầm Nhìn Mới Wada, cho biết: “Theo kinh nghiệm khi tham gia nâng cấp mạng 3G ở Indonesia, chi phí trung bình để nâng cấp từ 2G lên 3G cho mỗi thuê bao ít nhất là 100 USD, chưa kể các chi phí khác”.

Giả sử áp dụng con số trên vào các nhà mạng Việt Nam, với chi phí 3G trước đây là 50.000 đồng/tháng (gần 2,4 USD) thì nhà mạng sẽ mất hơn ba năm để thu hồi vốn. Còn với mức cước 70.000 đồng/tháng (3,3 USD), nhà mạng chỉ cần hơn hai năm rưỡi.

Tuy nhiên, con số trên chỉ là tương đối, vì thực tế còn phải tính các chi phí khác, như: vận hành, bảo trì... Theo ông Thịnh, các nhà mạng tăng cước đồng loạt tới 40% là hơi quá. “Nếu chúng ta có lộ trình dài hơi ngay từ đầu, chẳng hạn khoảng sáu tháng sẽ tăng 10% - 15% giá cước, đến khi tiệm cận giá thành thì sẽ dễ chịu hơn. Việc tăng đồng loạt một lúc như lần này dễ gây sốc thị trường, người dùng cảm thấy ngộp”, ông Thịnh nói.

Theo một chuyên gia viễn thông, mục đích lần tăng cước này là nhà mạng muốn đẩy nhanh quá trình thu hồi vốn đầu tư vào hạ tầng mạng 3G. Hiện thị trường đã đủ lớn và nhận thấy không dễ mở rộng thêm nữa, với lượng người dùng 3G chỉ xoay quanh con số 16 triệu thuê bao từ năm 2011 đến nay, nên nhà mạng tăng cước phí nhằm tăng doanh thu, rút ngắn thời gian thu hồi vốn. Tuy nhiên, điều đáng nói, theo vị chuyên gia này, là các nhà mạng đều chọn theo hướng phát triển phạm vi phủ sóng và bỏ quên chất lượng.

Theo ông Thịnh, nếu thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn, có lộ trình phát triển bền vững ngay từ khi bắt đầu cung cấp dịch vụ 3G thì đã không có những tình huống như hiện nay. Ông Thịnh cũng cho rằng, cơ quan quản lý và các nhà mạng phải nhanh chóng ngồi lại với nhau để xây dựng một lộ trình giá hợp lý với mặt bằng thu nhập của người Việt Nam, chứ không phải so sánh với mức giá các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế quản lý chất lượng dịch vụ để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Việt Nam hiện chưa có một đơn vị quản lý độc lập nào về chất lượng dịch vụ di động để chuyên thực hiện kiểm tra, giám sát và tiến hành các biện pháp chế tài đối với các nhà mạng cung cấp dịch vụ không đạt chất lượng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại