Vì sao Hà Nội có giá sinh hoạt đắt đỏ nhất nước?

Tú Anh |

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, việc chỉ số giá sinh hoạt của Hà Nội đắt đỏ, dẫn đầu cả nước có nhiều nguyên nhân và Hà Nội cần phải thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục chỉ số trên.

Theo ông Vũ Vinh Phú, việc vừa qua Tổng cục Thống kê công bố điều tra chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) giai đoạn 2012-2014, với việc Hà Nội có chỉ số cao nhất cả nước là có cơ sở.

Nhưng công bằng mà nói giá sinh hoạt ở Hà Nội không phải cái gì cũng cao hơn thành phố Hồ Chí Minh.

Chẳng hạn, thành phố Hồ Chí Minh có chỉ số giá giáo dục cao gấp 1,5 lần Hà Nội. Nhóm hàng hóa dịch vụ khác thành phố Hồ Chí Minh cũng cao hơn Hà Nội từ 4-7%.

Tuy nhiên tất cả các nhóm hàng còn lại thành phố Hồ Chí Minh có chỉ số thấp hơn Hà Nội từ 6 - 22%.

Đề cập về các nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, theo ông Phú về khách quan hệ thống phân phối ở Hà Nội phát triển còn ở trình độ thấp cả về số lượng và chất lượng.

Hiện Hà Nội có khoảng 80 siêu thị, 20 trung tâm thương mại, 400 chợ, 1.000 điểm bình ổn giá, 200 cửa hàng tiện lợi…

Còn thành phố Hồ Chí Minh có 100 siêu thị, 100 trung tâm thương mại, 240 chợ, 700 cửa hàng tiện lợi và 7.500 điểm bình ổn giá.

Ngoài ra thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống chợ đầu mối nông sản thực phẩm được thiết lập rất bài bản tạo ra nguồn cung hàng hóa dồi dào, có chất lượng cho khâu bán lẻ để phục vụ người tiêu dùng hàng ngày.

Về nguồn hàng phục vụ cho tiêu dùng hàng ngày như gạo, thịt, cá, rau quả, thủy hải sản... chủ yếu là từ ở các thành phố phía Nam. Trong khi ở phía Bắc chỉ có khoảng 30%.

Như vậy cho thấy muốn tổ chức hàng hóa ở phía Nam đưa ra phía Bắc với cự ly hàng nghìn kilômét, rõ ràng chi phí vận chuyển sẽ tốn kém hơn từ 5-10% và được cộng vào giá thành hàng hóa khi bán lẻ cho người dân Hà Nội.

Hà Nội có chỉ số giá sinh hoạt đắt đỏ nhất. Ảnh: Như Ý.

Theo ông Phú, Hà Nội còn nhiều điều phải khắc phục để chỉ số giá tiêu dùng hàng năm được cải thiện hơn.

Cụ thể như việc triển khai quy hoạch hệ thống phân phối phải nâng cấp về cơ sở hạ tầng và việc bố trí mạng lưới hợp lý: “Chẳng hạn, tại phố Thái Thịnh chỉ hơn 1 km nhưng có tới 3 siêu thị.

Có lẽ chỉ có Hà Nội mới cho phép lập doanh nghiệp bán lẻ trùng chéo kém hiệu quả như vậy và hậu quả là một siêu thị của Hapro bị đóng cửa”, ông Phú phân tích.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc cải tạo một loạt chợ truyền thống như Ô Chợ Dừa, Cửa Nam, Hàng Da…, thành trung tâm thương mại đã không mang lại hiệu quả.

Phải dừng kế hoạch cải tạo các chợ cũ vì những lý do như thiết kế không phù hợp, đầu tư vào sạp chợ sau cải tạo cao, kiểm soát trong ngoài chợ không công bằng..., làm cho hệ thống phân phối kém hiệu quả hơn.

Đặc biệt, theo ông Phú, Hà Nội đang tiếp tục thực hiện việc cấp hàng trăm tỷ đồng cho quỹ bình ổn giá nhưng hiệu quả còn thấp, thậm chí giá hàng bình ổn có lúc, có mặt hàng còn cao hơn thị trường bên ngoài, cao hơn cả giá của các siêu thị không được tham gia chương trình bình ổn.

Đáng lẽ ra có quỹ này giá cả phải thấp đi, nhưng trái lại giá cả lại bị đắt đỏ hơn...

“Hàng hóa vào khâu bán lẻ còn phải đi qua nhiều cấp như bán buôn cấp 1, cấp 2, tốn nhiều chi phí trong và ngoài sổ sách do vậy tất cả những cái đó sẽ ùa vào giá thành hàng hóa bán lẻ, đẩy chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội lên cao”, ông Phú phân tích.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Hà Nội cần phải triển khai nhiều giải pháp như tập trung vào việc tổ chức nguồn hàng theo chuỗi đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, liên kết vùng, liên kết sản xuất phân phối, giảm ách tắc giao thông, giảm bớt những chi phí, nhất là chi phí tiêu cực ở các khâu vận chuyển hàng hóa và cung ứng hàng hóa vào khâu bán lẻ mà người tiêu dùng đang phải gánh chịu; Tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng hóa phục vụ và quan trọng là quản lý từ gốc; tăng cường công tác kiểm tra giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Ngoài ra tăng cường khâu dự trữ những mặt hàng thiết yếu đề phòng những bất ổn xảy ra.

Nên xóa bỏ chế độ “gần như bao cấp” trong bình ổn giá hiện nay, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp bán lẻ.

Có như vậy, chỉ số giá sinh hoạt của Hà Nội từ năm 2016 trở đi có thể được cải thiện từng bước góp phần đảm bảo đời sống tiêu dùng cho người dân và phát triển kinh tế xã hội một cách nhanh và bền vững cho Thủ đô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại