Trước khi công bố dự kiến sáp nhập Eximbank – Sacombank vào ngày 29/1, ngành ngân hàng Việt Nam từng có vài vụ hợp nhất, sáp nhập trong 2 năm gần đây, nhưng chỉ được xác nhận khi mọi việc đã hoàn tất. Đầu tiên là vụ hợp nhất của 3 ngân hàng: cổ phần Sài Gòn, Đệ Nhất và Tín Nghĩa. Khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin thì tất cả thủ tục đã thực hiện xong.
Tiếp đó, vụ sáp nhập Habubank và ngân hàng cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng diễn ra tương tự. Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký văn bản đồng ý thì phía SHB vẫn không xác nhận thông tin gì về việc này.
Một lãnh đạo cấp cao của SHB chia sẻ: “Thông thường, việc sáp nhập ngân hàng cực kỳ phức tạp và dễ đổ bể ngay cả khi đã được cơ quan quản lý đồng ý. Thậm chí, đến phút chót ký văn bản sáp nhập thì việc không thành vẫn có nguy cơ cao. Vì thế, chỉ khi xong hết mọi việc chúng tôi mới công bố”. Và sau đó, việc sáp nhập đã diễn ra và SHB họp báo khi các thủ tục đã xong.
Gần đây, kế hoạch công ty cổ phần tài chính Dầu khí (PVFC) mua Western Bank cũng là một sự kiện tương tự. Mặc dù đã ký kết văn bản nhưng 2 bên đều phủ nhận việc mua bán. Và điều như nhiều chuyên gia lo lắng về việc dễ đổ bể đã xảy ra, Western Bank “tố” PVFC chưa trả nốt 500 tỷ đồng để thực hiện quá trình hợp nhất giữa 2 bên. Đến nay, vụ hợp nhất vẫn chưa có hồi kết và công bố thông tin là bất đắc dĩ bởi sự cố.
Trong tất cả những vụ hợp nhất, sáp nhập nêu ở trên, luôn có một ngân hàng nằm trong tình trạng “đèn đỏ” và phương án hợp nhất/sáp nhập là bắt buộc để có thể tồn tại. Thế nhưng, với vụ Eximbank sáp nhập với Sacombank, mọi việc hoàn toàn khác.
Sacombank và Eximbank đều là 2 nhà băng cổ phần lớn trên thị trường, với lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng năm 2012 và không nằm trong diện phải tái cơ cấu bắt buộc theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Cũng vì thế, thông tin về việc sáp nhập 2 ngân hàng này có điều gì đó khá lạ lùng.
Trả lời về khả năng sáp nhập trong một buổi trực tuyến mới đây, ông Trương Văn Phước – Tổng giám đốc Eximbank cho biết: “Nói đây là một cuộc ‘hôn nhân’ thì tôi cho là không phải. Có thể nó đặt nền tảng cho một mong ước, mà mong ước thì cũng có thể thành hoặc không”.
Còn ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank thì cho biết, việc hợp nhất/sáp nhập 2 ngân hàng chỉ là “nghiên cứu”. “Để làm được điều này chúng tôi phải bàn bạc, làm việc với nhau và với một công ty tư vấn quốc tế có uy tín nghiên cứu tiền khả thi. Sau khi tổ chức tư vấn nghiên cứu tiền khả thi sẽ trình bày cho Hội đồng quản trị (HĐQT) của 2 bên, để HĐQT hai bên có những đóng góp, bổ sung, sửa đổi. Nếu tính khả thi 'có thể' hai bên sẽ thảo luận để đi đến giai đoạn 2 của quá trình.
Khi có kết quả nghiên cứu khả thi thì tiến hành thảo luận lần nữa, và trình cho các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước - Ngân hàng Nhà nước(NHNN) chi nhánh TP.HCM để nếu thuận lợi chi nhánh sẽ trình ra NHNN. Khi có sự chấp thuận của NHNN, hai bên sẽ trình cho Đại HĐQT các nội dung chi tiết, đề án về lộ trình hợp nhất/sáp nhập…”, ông Dũng nói.
Các lãnh đạo cao nhất của Eximbank đều nói rất mơ hồ về việc sáp nhập thì vì sao lại có một lễ ký kết kèm công bố thông tin rộng rãi về chủ đề này? Tổng giám đốc một nhà băng cổ phần tại Hà Nội nhận xét: “Chỉ cần nhìn cũng biết kế hoạch hợp nhất không hề có gì chắc chắn và có thể là một chiêu trò dịp cuối năm. Những người làm ngân hàng đều hiểu rằng, công bố kế hoạch sáp nhập/hợp nhất trước 5 ngày cũng là mạo hiểm bởi chẳng ai lường trước được kết cục chứ không nói đến 5 năm”.
Theo phân tích của ông này, các ông chủ của 2 nhà băng để 2 thương hiệu ngân hàng lớn đang làm ăn hiệu quả sẽ tốt hơn là gộp lại làm một. Tuy nhiên, hiện tại, khi thị trường chứng khoán đang khởi sắc, các thông tin về sáp nhập/hợp nhất sẽ có tác động tích cực lên giá cổ phiếu.
“Điều này sẽ giúp cho những ai thế chấp tài sản để mua cổ phiếu Sacombank và giờ đến hạn phải trả nợ sẽ có cơ hội xử lý dễ hơn và không phải đóng thêm tài sản thế chấp”, ông này nhận xét.
Thành viên HĐQT một ngân hàng lớn tại TP.HCM chia sẻ: “Nhìn vào việc công bố kế hoạch sáp nhập 2 ngân hàng trước 3 đến 5 năm, người trong nghề ai cũng hiểu là mục tiêu nằm ở chỗ khác. Đó đơn thuần là một sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận, nhà đầu tư và tạo ra hiệu ứng tích cực về hình ảnh cho ngân hàng vào thời điểm hiện nay chứ ý nghĩa hiện thực là rất thấp”.
Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế vẫn kỳ vọng vào sự thành công của vụ sáp nhập. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét, hệ thống ngân hàng thương mại sẽ tốt hơn khi có sự xuất hiện của một tổ chức mới với quy mô lớn từ 2 ngân hàng nói trên.
“Cả Eximbank và Sacombank đều là những ngân hàng quy mô lớn, có bề dày truyền thống và kinh nghiệm điều hành nên có cơ sở nên có thể tin tưởng vào thương vụ này”, ông Thành nói.