Với số lượng 7 triệu khách hàng, ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang đứng đầu thị phần thị trường thẻ ATM. Tết đến, xuân về, gánh nặng và nỗi lo bị kêu lại đè lên Trung tâm thẻ Vietcombank. Làm sao để ATM không bị nghẽn mạch, tiếp quỹ thế nào để các cây ATM không “cháy” tiền.
Rụng mũi vì ngửi… mùi tiền
10 giờ sáng ngày 14/1/2014, nhờ sự sắp xếp của bộ phận truyền thông, chúng tôi có mặt tại Phòng Quản lý Quỹ ATM của Sở giao dịch Vietcombank. Căn phòng nằm sâu trên gác 2 của toà nhà 19 tầng địa chỉ 49 Trần Quang Khải - Hà Nội. Vừa đặt chân vào, một mùi oi gắt xộc thẳng vào mũi những vị khách không mời. Mất một lúc định vị và cảm giác, nhận ra đây là “mùi” đặc trưng của đồng tiền đã qua lưu thông.
Ngay tại phòng Quỹ là chiếc máy tính nối mạng với 145 máy ATM trên địa bàn Hà Nội. Hiện trên màn hình là toàn bộ thông số của các máy. Máy nào trong tình trạng còn tiền, máy nào đã về mức báo động cần tiếp quỹ, tất cả đều rõ mồn một.
Trên mặt bàn trải dài gần chục mét, gần 20 nhân viên hầu hết còn khá trẻ đang khẩu trang bịt kín tay thoăn thoắt kiểm đếm. Trước mắt mỗi người, những chồng tiền cao ngất đủ loại mệnh giá từ 50, 100, 200, 500 ngàn đồng.
Lúc này, tiền đúng nghĩa được xem như hàng hoá. Ngay khi được tháo gỡ ra khỏi dây buộc đã niêm phong của đủ loại ngân hàng, tiền được đưa qua một máy kiểm đếm và lọc. Sau đó bằng tay trực tiếp các nhân viên kiểm tra từng tờ.
Bầu không khí im phắc chỉ nghe tiếng máy chạy loạt xoạt, cả hai dãy bàn các nhân viên đều cắm cúi đếm tiền.Tận tình hướng dẫn khách, anh Nguyễn Văn Thắng, trưởng phòng Quỹ đồng thời cung cấp thông tin: Phòng có 37 người (đúng bằng quân số một chi nhánh trung bình), riêng bộ phận tiếp quỹ là 20 người; phục vụ 145 máy ATM thuộc quản lý của Sở giao dịch trên địa bàn Hà Nội. Trung bình mỗi ngày lượng tiền kiểm đếm để đưa vào các hộp tiếp quỹ (gần 200 hộp) từ 50-60 tỷ đồng.
Theo anh Thắng quy trình bắt đầu như sau: Ngày hôm trước lấy séc từ phòng ngân quỹ, sau đó ra Ngân hàng Nhà nước rút tiền về. Rồi tiền mang về kiểm đếm. Tiền qua lọc phải đảm bảo không bợt hay quăn queo vì ngoài đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, còn dễ làm hỏng và phải tăng chi phí bảo trì máy hơn gấp bội.
(Định mức mỗi nhân viên phải kiểm đếm từ 5-6 tỷ đồng/ngày). Tiếp đó, vào đầu giờ mỗi sáng, có 6/ 8 xe chuyên chở tiền của Sở giao dịch có nhiệm vụ đi tiếp quỹ. “Công tác tiếp quỹ vô cùng vất vả. Anh em phải thay nhau trực cả ngày đêm. Quỹ đến thì sớm, về thì muộn. Cuối ngày lại phải cân chỉnh” - anh Thắng cho hay.
Mỗi bộ phận có một đặc thù nhưng đúng là làm việc trong môi trường này rất độc hại. Đồng tiền đã qua lưu thông nên yếu tố vệ sinh không đảm bảo. “Ở đây mọi người cứ đùa nhau làm một thời gian dễ bị mắc bệnh… rụng mũi vì phải ngửi mùi tiền. Hiện giờ chúng tôi đã lên lịch trực Tết.
Thứ bảy, chủ nhật anh em phải đi làm cả. Ngay cả khi phòng có việc vui như đám cưới cũng không thể đi hết mà phải phân nhau trực”- vị trưởng phòng với hơn 10 năm công tác tại phòng tâm sự.
Làm dâu trăm họ
Từ phòng Quản lý Quỹ men theo một hành lang dài chạy xuống tầng hầm với lối đi chạy được thiết kế cho những chiếc xe kút kít nhỏ để đưa tiền ra xe. Dù chỉ một đoạn ngắn nhưng đi đều có bảo vệ trực gác với hệ thống camera gắn suốt dọc đường. Thông thường, với mỗi giờ giao dịch sáng, sẽ có khoảng 2-3 xe tiền với đủ sự giám sát của các bộ phận (ngân hàng, công an).
Ngay khi cánh cửa tầng hầm mở ra, xe chở tiền chuyên dụng sẽ đút cả thân xe vào hầm. Lập tức, cánh cửa đóng lại. Phía bên trong, thoăn thoắt các nhân viên tiếp quỹ và giám sát chuyển các hộp tiền đã đóng bao lên xe. Ít phút sau chiếc xe được chạy đến điểm ATM theo đúng lộ trình đã định.
Vừa chuyển xong bao tải đựng hộp tiền cuối lên xe, trước sự chứng kiến của cánh PV, anh Thắng qua sang bảo: “Bình thường chúng tôi tiếp quỹ rất sớm. Hôm nay vì có hẹn phải đón các vị nên việc tiếp quỹ cây ATM này bị chậm lại đấy”.
Tầng 4 của Toà nhà Vietcombank là nơi vận hành của Trung tâm thẻ. Trái với hình dung, quang cảnh phòng này không có gì đặc biệt thậm chí tương tự như bất cứ một tổ hợp văn phòng nào với trải dài dãy bàn làm việc, những nhân viên cắm cúi vào máy tính (bộ phận giao dịch thẻ ở tầng khác).
Thu hút sự chú ý của khách hơn cả tiếng ầm ào vọng ra từ căn phòng bên tay trái phía trong. Lọt vào trong đó, chỉ tay vào khối máy lớn hơn trông như suốt những con thoi dệt, bà Nguyễn Thanh Hằng, giám đốc Trung tâm thẻ cho hay đây là máy dập thẻ mới nhập về được xem là hiện đại nhất trong khối thẻ các ngân hàng.
Về công suất, bà Hằng ước 1,2 triệu thẻ/năm. “Vietcombank là ngân hàng có thị phần thẻ lớn và liên tục phát triển nên nói chung máy hoạt động khá thường xuyên”- bà Hằng nói.
Liên quan đến câu chuyện tiếp quỹ cho ATM sao khỏi hết tiền, bà Hằng phân định: “Những ngày này chúng tôi phải làm việc gấp đôi, ba ngày thường. Anh chị em vất vả hết sức. Nhưng dù cố gắng tối đa vẫn khó tránh khỏi những trục trặc phát sinh”.
Chợt nhớ cách đây 2 tuần, dịp xuống Bắc Ninh làm việc, chi nhánh Vietcombank Bắc Ninh cho hay: Với hai khu công nghiệp lớn là Quế Võ và Bắc Ninh, số lượng tài khoản mở thẻ của Vietcombank đã lên tới 10.000 đầu chủ thẻ.
Trong đó, chiếm một số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI. “Tổng số tiền chúng tôi dự trữ dịp Tết Nguyên đán này vào khoảng 70 tỷ. Ngoài 36 máy ATM, những ngày trả lương và áp Tết, chúng tôi còn cho đặt bàn thanh toán ngay tại quầy giao dịch, nhất là với những khu có đông công nhân như của Samsung”- Lãnh đạo Vietcombank chi nhánh Bắc Ninh kể và cho biết đơn vị này đang nhận được đề nghị mở thẻ trả lương cho công nhân của Canon nhưng phải lên kế hoạch báo cáo lên trên chuẩn bị xong về máy và hệ thống mới dám nhận lời.
Tết này, ATM có đổ bệnh?
Sáng 14/1, Phó tổng giám đốc Vietcombank ông Đào Minh Tuấn chia sẻ với báo giới một số thông tin. Với chưa đầy hai tuần nữa là tới Tết Nguyên đán, hiện Vietcombank đã sẵn sàng chuẩn bị lượng tiền cung ứng Tết đặc biệt nhất trong bối cảnh năm nay nghỉ Tết sớm trước ba ngày.
Ngày thường, Vietcombank có khoảng 260 ngàn giao dịch với tổng lượng tiền khoảng 360 tỷ đồng; tuy nhiên vào dịp tết này sẽ gấp từ 2-3 lần tức là tương ứng 700-800 ngàn giao dịch với lượng tiền khoảng gần 900 tỷ. “Chúng tôi lưu ý nhất là hai địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số khu công nghiệp”- ông Tuấn nói.
Liên quan đến các “bệnh” hệ thống ATM hay “dính” như để máy hết tiền quá lâu, lỗi trục trặc giao dịch, ông Tuấn cho hay bản thân ngân hàng thực ra năm nào cũng chủ động nhưng có rất nhiều lý do bất khả kháng. “Tại Hà Nội và TPHCM, khoảng 15 ngày cận tết, giao thông đi lại rất tệ dẫn đến việc chậm tiếp tiền không thể tránh khỏi. Chứ nhìn trên hệ thống, hễ cây ATM nào về mức giới hạn là quân ATM đến tiếp liền”- ông Tuấn nói.