Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành chức năng đề xuất một số giải pháp nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước. Một giải pháp mà VAFI đưa ra là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng.
Cụ thể, hiệp hội này đề xuất Chính phủ xem xét đưa kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức vào đối tượng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng bia giải khát, ôtô, xe máy…, “vì bản chất của vàng miếng, vàng trang sức là hàng hóa xa xỉ cần phải thực hiện điều tiết”.
Và theo đề xuất của VAFI, để nguời dân yên tâm thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động mua vàng miếng, vàng nữ trang với thuế suất 20%, còn với hoạt động bán vàng cho Ngân hàng Nhà nước theo giá thế giới thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Chỉ có duy nhất giải pháp này mới chấm dứt được tình trạng vàng hóa, đô la hóa”, văn bản của VAFI nhấn mạnh. Việc đề xuất áp thuế trên nằm trong 5 giải pháp mà VAFI đề nghị nhằm giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
Trước đó, khi đưa ra đề xuất này, VAFI nhấn mạnh: “Nếu áp dụng thuế giá trị gia tăng cho hoạt động kinh doanh vàng, sẽ có hàng trăm ngàn tỷ đồng chảy vào hệ thống ngân hàng và đây là cơ sở quan trọng để giảm sâu mặt bằng lãi suất huy động.
Tất nhiên là khi ban hành giải pháp này, để bảo vệ quyền lợi của người dân có vàng, Nhà nước sẽ không thu thuế giá trị gia tăng khi người dân bán vàng. Chỉ áp dụng giải pháp duy nhất này thì tình trạng vàng hóa nền kinh tế mới thực sự chấm dứt vĩnh viễn”,
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, trong thời điểm ngành trang sức còn gặp nhiều khó khăn, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lên các mặt hàng nữ trang sẽ khiến doanh nghiệp ngành này không còn đủ sức chống đỡ.
Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất nữ trang vì đây là các mặt hàng xa xỉ cũng hợp lý. Tuy vậy, với mức thuế như đề xuất của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính là khoảng 20% lại quá cao, và chưa nên áp dụng lúc các doanh nghiệp khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên, nếu Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước quan tâm tới giải pháp này thì sẽ có hàng trăm ngàn tỷ chảy vào hệ thống ngân hàng, tỷ giá ổn định vững chắc và là cơ sở quan trọng để đưa lãi suất tiền gửi VND về mức 3%/năm, đồng thời tăng thêm dự trữ ngoại hối lên 30 tỷ đô la nhờ giải pháp này, đưa tổng dự trữ ngoại hối nhà nước lên 60 tỷ đô la, lúc đó hình ảnh nền kinh tế VN sẽ khác hẳn so với hiện nay.