Sinh ra trong một gia đình nghèo khó và là con út trong số 13 người con, phấn đấu đi lên từ hai bàn tay trắng, có lẽ Hamm không nghĩ có ngày mình lại được lưu danh sử sách vì câu chuyện không lấy gì làm thú vị này.
Mỗi năm, tại Mỹ đã có tới 1 triệu vụ ly dị. Như vậy 2 triệu người phải tính đến thuê nhà, mua nhà, tìm người trông trẻ và một loạt các việc phiền toái khác. Nếu như ngành kinh doanh dịch vụ liên quan đến đám cưới đóng góp vào thu nhập quốc dân tại quốc gia này khoảng hơn 2 tỷ USD, thì con số cho các vụ ly dị đóng góp được cho là nhiều hơn thế.
Rất nhiều trong số các vụ ly dị đình đám của những người nổi tiếng và doanh nhân thành đạt “trị giá” hàng trăm triệu cho tới hàng tỷ USD. Ngoài thời gian, tiền bạc chi cho luật sư và giải quyết các vấn đề liên quan đến giấy tờ, bằng chứng, việc chia tài sản khiến các tỷ phú phải mất không ít tiền.
Đối với ông Hamm, vấn đề trở nên khó khăn hơn, khi đã không ký thỏa thuận tiền hôn nhân về ràng buộc tài sản với vợ. Ông nắm giữ 68% tài sản trong tập đoàn dầu mỏ Continental Resources, công ty ông thành lập hồi năm 1967, tương đương 11,3 tỷ USD giá trị vốn hóa. Nghiêm trọng hơn, ông có thể mất quyền kiểm soát công ty, nếu vợ ông, bà Sue Ann Hamm, một nhà kinh tế, một luật sư, được tòa xử sở hữu một nửa của tài sản này.
Thông tin vụ ly dị đã làm giảm 3% giá trị cổ phiếu của Continental. Tòa án bang Oklahoma chủ trương xét xử phân chia theo đóng góp thực tế. Nhưng thực tế cho thấy vai trò của bà Ann trong đế chế của chồng là rất lớn. Bà đã cống hiến nhiều năm kinh nghiệm và là người đã xây dựng nên bộ phận marketing của mảng dầu và khí.
Một tập đoàn lớn như Continental tưởng sẽ không liên quan gì đến một vấn đề riêng tư, nay lại đứng trước thách thức lớn và có thể thay đổi diện mạo sau vụ ly hôn này.
Trước vụ của Hamm, kỷ lục ly hôn vẫn thuộc về ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, khi ly dị người vợ Anna hồi năm 1999, với tổng giá trị phân chia cho Anna là 1,7 tỷ USD, theo tờ Forbes. Tuy nhiên tờ New York Magazine thì cho rằng chỉ vào khoảng 200 triệu USD. Con số này bằng với khoản người sáng lập hãng mỹ phẩm nổi tiếng Revlon Ronald Perelman trả cho 4 người vợ cũ của mình, trong đó gần đây nhất là vụ ly hôn với diễn viên Ellen Barkin ngốn của ông 20 triệu USD. Tuy nhiên, số tiền này vẫn không thấm tháp vào đâu so với tổng tài sản 12,2 tỷ USD của Perelman. Trong câu lạc bộ các doanh nhân tốn kém nhất cho ly hôn, ông này giữ vị trí thứ sáu.
Một vụ ly hôn đình đám khác là của ông trùm sòng bài Steve Wynn ly dị người vợ Elaine hồi năm 2009. Bà vợ đã nhận được một nửa số cổ phần trong tập đoàn của chồng, tương đương 10 triệu cổ phiếu. Đế chế Wynn Resorts trị giá tới 13 tỷ USD; nếu Elaine bán ra dù chỉ là một nửa số cổ phần thôi, thì cũng có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho quyền lực tối thượng của Wynn và đưa công ty rẽ sang một hướng khác.
Suy thoái kinh tế kéo dài gây sức ép lên doanh nghiệp và tiếp đó là sức ép nặng nề lên người lao động đã có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vợ chồng cũng như sự bền vững của mỗi gia đình. Con người dành nhiều thời gian và sức lực cho công việc và khó có thể chu toàn vai trò của mình trong gia đình. Vì thế đã gây ra hụt hẫng và mâu thuẫn với bạn đời. Nhiều khi họ không thể biết chính xác sự cách xa hình thành từ khi nào mà chỉ biết thời điểm hôn nhân hoàn toàn rạn vỡ không thể hàn gắn được.
Theo điều tra dân số ở Mỹ năm 2009, cứ 10.000 người đàn ông thì có 92 người ly hôn. Tỉ lệ này ở nữ giới cao hơn: 97. Chủ doanh nghiệp khi kết hôn không mấy khi nghĩ đến việc ly dị. Chính vì thế việc quản trị và nguồn lực tài chính bị tác động đáng kể khi sự việc xảy ra.
Kể từ tháng 10/2012, New York đã trở thành bang cuối cùng của nước Mỹ chấp nhận cho các cặp đôi ly hôn mà không cần lý do, đánh dấu một bước ngoặt trong quy trình pháp lý về thủ tục ly hôn tại Mỹ. Trước đây, với những ràng buộc về việc ly hôn phải có “lý do”, đôi khi những việc gây bẽ mặt như ngoại tình chẳng hạn bị đào sâu quá mức, đã gây áp lực nặng nề cho cả đôi bên.