Tạm dừng hoạt động
Những ngày cuối tháng 3/2016, Hội đồng quản trị CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải ( VSP ) đã quyết định tạm dừng hoạt động công ty sau hơn 5 năm cổ gắng khắc phục không thành.
Nguyên nhân là do hậu quả tài chính để lại quá nặng nề cùng với bộ máy điều hành hoạt động ngày càng mỏng và dần thiếu tính hợp tác, phối hợp hoạt động để xử lý tái cơ cấu công ty.
Nhiều thành viên HĐQT công ty đã có văn bản từ bỏ và xin từ chức từ năm 2015.
Đồng thời Cục thuế TP.HCM đã có quyết định cưỡng chế công ty nên VSPP không thể tiếp tục duy trì hoạt động, công ty quyết định tạm dừng hoạt động từ ngày 1/4/2016.
Nghị quyết cũng đề cập khả năng công ty phải thực hiện phá sản vì bị các chủ nợ kiện do không trả được nợ.
Tình cảnh bi đát này của VSP khiến cho không mấy ai có thể nghĩ rằng đây là một trong những cổ phiếu “hot” và đắt giá nhất thị trường chứng khoán những năm 2007-2008.
Sự sụp đổ của VSP có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là do ban lãnh đạo công ty đã nôn nóng tăng vốn quá nhanh.
Cổ phiếu hàng hiệu
VSP được thành lập năm 2002, với hoạt động chính là vận tải gas, xăng dầu.
Bước ngoặt đối với công ty diễn ra vào năm 2007 khi tương tự như chứng khoán Việt Nam, thị trường vận tải biển thế giới tăng nóng chưa từng thấy, giá cho thuê tàu tăng chóng mặt theo ngày.
Không muốn bỏ lỡ “mỏ vàng” đang bày ra trước mắt, ban lãnh đạo công ty quyết định huy động thêm cả nghìn tỷ vốn chủ cũng như vốn vay để đầu tư 3 con tàu có tải trọng lớn; cùng với đó công ty còn ấp ủ một số dự án bất động sản quy mô lớn.
Đầu năm 2008, VSP đã dễ dàng huy động được 1.200 tỷ đồng – gấp 10 lần vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2007 - từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược.
Một trong những nhà đầu tư đã rót vốn lớn vào VSP trong đợt phát hành này là IPA Group.
Trong sự hào hứng quá mức của thị trường cách đây 8-9 năm, việc các cổ phiếu có giá hàng trăm nghìn đồng không phải chuyện hiếm nhưng VSP mới thực sự là cổ phiếu đắt giá nhất, do đây cũng là hàng hiếm của ngành vận tải biển trên sàn khi đó.
Đầu tháng 10/2007, từ mức 160.000 đồng, VSP đã tăng vọt lên 305.000 đồng khi chuẩn bị chốt quyền ưu đãi mua cổ phiếu.
Kịch tính diễn ra ngay sau khi VSP tiến hành tăng vốn, cổ phiếu này lao dốc không phanh, trong vòng hơn nửa năm mất 80% giá trị, xuống còn 37.000 đồng vào ngày 6/6/2008.
Một con sóng mới lại bắt đầu, hai tháng sau đó, vào ngày 26/8/2008, cổ phiếu này trở về mức 238.000 đồng! Tính theo giá điều chỉnh, đây là thời điểm mà VSP đạt mức cao nhất trong lịch sử cũng là thời điểm “chói lọi” trước khi vụt tắt của ngành vận tải biển.
Kết thúc ba quý đầu năm 2008, VSP đã lãi tới 400 tỷ đồng, EPS đạt hơn 25.000 đồng.
Sụp đổ
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Cước vận tải biển sụp đổ trong năm 2008 hệt như sự sụp đổ của giá dầu trong năm 2014, thậm chí mức độ giảm còn khốc liệt hơn.
Giá cho thuê ba con tàu tải trọng hơn 60.000 tấn mà VSP sở hữu giảm từ 85.000USD/ngày vào tháng 5/2008 xuống còn khoảng 3.000 USD/ngày vào cuối năm 2008.
VSP bắt đầu nếm trải thua lỗ từ quý 4/2008 và chuỗi ngày thua lỗ cứ đeo bám lấy công ty các năm sau đó.
VSP phải bán dần các tài sản của mình nhưng vẫn không cứu vãn được tình thế, nguồn thu khá eo hẹp trong khi các khoản nợ hàng nghìn tỷ vẫn còn đó.
Mặc dù vẫn giao dịch trên sàn nhưng số liệu tài chính của VSP không được công bố đầy đủ. Công ty đã lỗ tổng cộng 3.200 tỷ trong giai đoạn 2009-2013.
Đến cuối năm 2013, vốn chủ sở hữu của công ty đã âm hơn 1.800 tỷ trong khi tổng các khoản nợ phải trả lên đến 2.700 tỷ đồng. Số liệu 2014 và 2015 hiện chưa được công bố cụ thể.
Công ty không còn hoạt động, tài sản không còn gì thì với khoản nợ vài nghìn tỷ vẫn còn hiện hữu, ngày VSP phá sản cũng không còn xa.
Không chỉ riêng VSP, cú sốc vận tải biển năm 2008 hiện vẫn tác động nặng nề đến nhiều doanh nghiệp vận tải biển khác như Vosco (VOS), Nosco (NOS), Vinaship (VNA)...