Từ khi thành lập cho đến tháng 6/2012, Phở 24 đã mở 70 cửa hàng với 70% các cửa hàng nội địa tọa lạc tại các tỉnh thành lớn như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương, và 30% các cửa hàng quốc tế tại Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), Phnom Penh (Campuchia), Ma Cao - Hồng Kông và Tokyo (Nhật Bản). Phở 24 có kế hoạch mở thêm cửa hàng ở tất cả các thành phố lớn của Việt Nam cũng như tại các thị trường nước ngoài, nơi có số lượng lớn người châu Á.
Sự nghiệp đang lên như diều của ông chủ Phở 24 bỗng dừng lại khi ông quyết định bán toàn bộ cổ phần của công ty. Công ty cổ phần Việt Thái Quốc tế (VTI), chủ thương hiệu Highlands Coffee đã là chủ nhân mới của chuỗi thương hiệu Phở 24 và đã bán 49% bộ phận kinh doanh của VTI (Highlands Coffee và Phở 24) tại VN cho JolliBee của Philippines.
Giá trị của thương vụ VTI-JolliBee được tiết lộ là khoảng 25 triệu USD. Như vậy, thông tin riêng Phở 24 được chuyển nhượng cho VTI trước đó với giá 20 triệu USD cũng có cơ sở. Phía VTI và Phở 24 đến nay chưa có bất kỳ phát biểu nào về con số này.
Hiện tại, trên web chính thức của phở 24, cái tên của ông chủ gắn bó một thời đã “biến mất như chưa từng tồn tại”. Theo giới thiệu, Phở 24 là một chuỗi nhà hàng Việt Nam thuộc Công ty Việt Thái Quốc Tế (VTI), chủ sở hữu của Highlands Coffee, Hard Rock Cafe, Emporio Armani, Swarovski, Aldo, La Vie En Rose, Debenhams, Coorslight, Orangina ...
Có nhiều nguyên nhân để ông chủ xuất thân từ anh bồi bàn này đưa ra quyết định “dứt áo ra đi”. Thứ nhất, nguyên nhân chính là từ nguồn tài chính mới cần thiết để phát triển hệ thống như: hiện đại hóa nhà xưởng, làm marketing, quảng cáo, nâng cấp toàn bộ hệ thống cửa hàng sau 10 năm mà ông Trung miêu tả là “như người chiến binh già cần bộ áo giáp mới” và những dự án mở cửa hàng ra quốc tế. Tất cả cần rất nhiều tiền. Hơn nữa, thời điểm này, sau 5 năm, cổ đông chiến lược của Phở 24 là Quỹ đầu tư VinaCapital cũng rục rịch thoái vốn theo thông lệ của một quỹ đầu tư.
Ông Lý Quí Trung đã từng chia sẻ với báo chí: “Năm 2006, tôi đã quyết định huy động vốn thông qua việc bán bớt cổ phần cho quỹ đầu tư mạo hiểm. Vay tiền ngân hàng chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu của tôi, đơn giản vì tôi không muốn phải chịu thêm nhiều áp lực từ những khoản lãi phát sinh hàng tháng. Tôi không muốn đặt số phận của mình vào tay người khác”.
“Có quá nhiều việc quan trọng tôi cần phải làm cho hệ thống Phở 24 sau gần 10 năm hoạt động, tất cả đều cần nhiều vốn đầu tư mới. Chẳng hạn như đại tu hoặc tái cơ cấu mô hình kinh doanh mà thông thường các chuỗi nhà hàng trên thế giới trễ nhất cứ mỗi 5-7 năm phải làm. Thứ nữa là phải bỏ khoản chi phí lớn để làm mới hình ảnh thương hiệu, đặc biệt đánh mạnh vào quảng cáo để bảo vệ thương hiệu và thúc đẩy khách hàng tiềm năng thực sự bước vào tiệm phở chứ không phải chỉ nghe hay biết về nó.
Ngoài ra, còn nhiều việc cần làm khác như xây dựng dây chuyền sản xuất hiện đại để làm phở gói xuất khẩu, mở tiệm phở ở Mỹ và một số thị trường lớn mà tôi muốn đích thân mình mở trước khi nhượng quyền. Tất cả những việc này đều cần rất nhiều tiền mà tôi không thể tiếp tục huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu. Đối tác chiến lược VinaCapital lại muốn thoái vốn vì rơi đúng thời điểm sau 5 năm theo thông lệ của một quỹ đầu tư, nên không trách họ được”, ông Trung ngậm ngùi cho biết.
Thứ hai, chính sự phát triển ồ ạt đã tạo lỗ hổng quản trị hệ thống, đặc biệt lớp nhân sự cao cấp. Ông Trung từng lường trước và đã viết trong 2 quyển sách về nhượng quyền, thế nhưng, khi xảy ra, Phở 24 lại không thể miễn nhiễm được.
“Cái giá phải trả cho sự phát triển quá nóng là không ít các cửa hàng của chúng tôi trước đây kinh doanh khá tốt, nay không đủ bù chi. Thật đơn giản, khi kinh tế khó khăn thì khách hàng có khuynh hướng “thắt lưng buộc bụng” trong khi tiền thuê nhà và các chi phí khác vẫn cứ tiếp tục tăng đều trong lạm phát”, ông cho hay.
Năm 2008, kinh tế Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chững lại do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực xảy ra trước đó một năm. Năm 2009, lạm phát tăng tốc, đẩy lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế xuống còn 5,3%, cách xa mức 8,5% của năm 2007, hàng loạt doanh nghiệp trong nước rơi vào tình trạng nguy kịch. Theo lẽ tự nhiên, thị trường tiêu thụ đã đổi chiều từ đang đi lên thành đi xuống.
“Đầu năm 2011, tôi chính thức gặp gỡ đối tác tiềm năng để tìm cách huy động thêm vốn. Điều tôi suy nghĩ nhiều nhất là làm sao vừa có thể bán bớt cổ phần để có thêm vốn nhưng vẫn giữ được quyền điều hành công ty. Nhưng thực tế là nếu bán thêm cổ phần thì quyền này không còn thuộc về tôi nữa… Nghĩ đến đây, tôi thấy mình chỉ còn một lựa chọn: Không bán cổ phần nào nữa hoặc bán hết 100%”.
Thứ ba, yếu tố đặc sắc trong sản phẩm và dịch vụ của Phở 24 đã không còn rõ nét. Công thức kinh doanh với phở sạch, phục vụ chuyên nghiệp, chỗ ngồi tiện nghi cộng với kết nối wifi tại nhà hàng đã mang lại những thành công ban đầu cho Phở 24. Tuy nhiên, đó chưa phải là những lợi thế cạnh tranh bền vững.
Tuy đã cố gắng đồng bộ hương vị của phở trên toàn hệ thống, nhưng khách hàng của Phở 24 bây giờ hoàn toàn có thể nhận ra sự không đồng nhất về chất lượng của nước dùng hay bánh phở khi đến ăn ở những nhà hàng khác nhau.
Thứ nữa, thử thách trước hàng loạt thương hiệu thức ăn nhanh đổ bộ vào VN, Phở 24 khó đương đầu để tìm lại chính mình như thuở sơ khai. Có một chi tiết, trong lịch sử kinh doanh, vay ngân hàng chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu của ông Trung.
Ngày 11/11/2011 là một ngày đặc biệt vì có các số kép trùng nhau, và càng đặc biệt hơn vì đó là ngày tôi đặt bút ký vào hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Việt Thái – một công ty Việt Nam sở hữu chuỗi cà phê Highland khá nổi tiếng.
“Tôi xem Phở 24 như một phần của mình, như đứa con mình đẻ ra. Nhưng tôi cũng ý thức ngay từ đầu rằng, mình không thể giữ nó mãi mãi mà muốn nó trưởng thành, lớn mạnh trong vòng tay xã hội. Tôi hy vọng rằng, Phở 24 sẽ tiếp tục tiến bước trên con đường mà tôi đã đặt những viên gạch đầu tiên”, ông chủ Phở 24 cho biết.