Hãng bán lẻ cà phê lớn nhất Việt Nam - Trung Nguyên đang dự định mua lại một số nhà máy rang xay cà phê ở Mỹ, đồng thời mở cửa hàng ở Seattle, New York và Boston ngay trong năm nay. Ý định này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chuỗi cà phê lớn nhất thế giới Starbucks mở cửa hàng đầu tiên ở TP HCM ngày 1.2.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg , Chủ tịch Trung Nguyên - ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết họ sẽ bán khoảng 15% cổ phần công ty để có kinh phí cho việc này. 60 cửa hàng của Trung Nguyên tại Việt Nam đang phục vụ cà phê theo phong cách Việt, cùng một số hương vị như espresso của Italy và cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Vũ tin rằng sự đa dạng này sẽ được ưa chuộng tại Mỹ.
Ông cho biết: "Khách hàng tại Mỹ sẽ được uống cà phê thực sự. Mức độ thưởng thức cà phê của họ có lẽ vẫn chưa cao lắm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thay đổi điều đó". Trung Nguyên sẽ tập trung vào các loại đặc sản như dòng "Legendee", mô phỏng hương vị cà phê chồn.
Đây là loại cà phê đắt đỏ và hiếm nhất thế giới. Theo website của hãng, Trung Nguyên đã khám phá ra loại enzyme tái tạo được quá trình tiêu hóa cà phê trong cơ thể chồn, để tạo ra hương vị giống thật cho sản phẩm này.
Doanh thu của Trung Nguyên đã tăng 32% năm 2012 lên 200 triệu USD. Theo ông Vũ, con số này sẽ gấp đôi trong năm nay do nhu cầu cà phê đóng gói ở Trung Quốc và Đông Nam Á tăng manh. Ông dự đoán Trung Nguyên sẽ cán mốc 1 tỷ USD năm 2016.
Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết ông sẽ xây dựng một thương hiệu toàn cầu và "một đế chế cà phê" trong vòng 10 năm tới, để cạnh tranh với Starbucks. Ông cũng tiết lộ công ty đang cân nhắc làm IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng), nhưng vẫn chưa ấn định thời điểm.
"Nếu Trung Nguyên vẫn gắn chặt với các sản phẩm cốt lõi và nỗ lực thu hút những khách hàng muốn thưởng thức hương vị mới lạ, đặc biệt là từ các nước khác, họ có thể mở nhiều cửa hàng và kinh doanh thành công. Người Mỹ luôn cởi mở với các nhãn hàng khác nhau, từ các nước và các nền văn hóa khác nhau", Jack Russo, một nhà phân tích tại Edward Jones & Co - hãng tư vấn tài chính cho các công ty tiêu dùng, nhận định.
Đặng Lê Nguyên Vũ dự định tăng số cửa hàng cà phê của hãng lên 200 trong hai năm tới. Công ty hiện có hơn 3.000 nhân viên và điều hành 5 cửa hàng tại Singapore.
Kể từ ngày khai trương, cửa hàng đầu tiên của Starbucks tại Việt Nam luôn tấp nập. Cửa hàng này chỉ cách nhà hàng mới của Burger King ở chợ Bến Thành - trung tâm du lịch - thương mại của TP HCM 1,6 km.
John Culver - Chủ tịch Starbucks tại khu vực Trung Quốc - châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Chúng tôi sẽ tăng trưởng mạnh mẽ" ở Việt Nam và sẽ có "hàng trăm cửa hàng Starbucks tại đây". Đáp lại, Đặng Lê Nguyên Vũ cũng cho biết ông đã sẵn sàng cạnh tranh với Starbucks bằng kế hoạch phát triển trong ba năm tới.
Để việc tấn công vào Mỹ được thuận lợi, Trung Nguyên sẽ hợp tác với các chuyên gia về cà phê có chung tham vọng mở rộng ra toàn cầu. Các nhà đầu tư có thể mua tối đa 15% cổ phần của Trung Nguyên. Sau 10 năm, tỷ lệ này có thể tăng lên 30%. Ông Vũ cho biết họ đang đàm phán với các "người chơi chính" trong ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ tên tuổi cụ thể.
Peter Saleh, nhà phân tích tại Telsey Advisory Group (Mỹ) cho biết: "Vượt qua Starbucks hay McDonald's là việc nói dễ hơn làm. Quá trình này cần rất nhiều tiền bạc, nhân lực và nền tảng kiến thức".
Theo ông Vũ, cửa hàng đầu tiên của Trung Nguyên tại Mỹ có thể được đặt tên khác và nằm ở địa điểm mang tính "biểu tượng". Các cửa hàng gần đây của Trung Nguyên ở Việt Nam có khá nhiều nét tương đồng với Starbucks, như ghế bành to, âm nhạc và thực đơn có cả cà phê, sinh tố hay snack.
Một số nơi còn có kệ sách với các cuốn như "Bảy thói quen của người thành đạt" hay tiểu sử của nhà sáng lập Apple - Steve Jobs. Ông Vũ cho biết mình đã đích thân chọn những quyển sách này để khích lệ tinh thần người Việt trẻ.
Ông nói: "Starbucks không còn giữ được bản sắc riêng như thời kỳ đầu nữa. Họ sắp hết thời rồi, và chúng tôi sẽ là những người thay thế".