Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp không đủ để tăng lương theo lộ trình, phải "nâng lên đặt xuống" thời gian áp dụng ngưỡng thuế thu nhập cá nhân mới, nhiều công trình hạ tầng quan trọng phải dừng lại vì thiếu vốn... thì hàng loạt nghi án trốn thuế với giá trị khổng lồ khiến dư luận bức xúc.
Đáng nói là những nghi án trốn thuế này đều thuộc về những nơi "có tóc", có thể "nắm" được. Nhưng ngay cả khi đã bị khui ra, không ít vụ vẫn rơi vào im lặng khó hiểu.
Đã hơn 3 tháng kể từ vụ hàng hiệu Milano khai gian là hàng giá bèo để trốn thuế bị bắt giữ đến nay, vẫn không biết chủ nhân của các lô hàng hiệu đó là ai, việc điều tra tiến hành đến đâu... không ai biết.
Kết quả duy nhất có thể nhìn thấy được là chỉ nửa tháng sau vụ gian lận trắng trợn đó, cửa hiệu này đã mở cửa trở lại. Người dân thành phố mỗi lần đi qua đây chỉ còn biết thở dài tự hỏi, lẽ nào con voi đã chui lọt lỗ kim?
Nhưng đâu phải "chui lọt" là chấm dứt, là xong. Nếu con voi "nghi án hàng hiệu Milano" có thể chui lọt lỗ kim thì chắc chắn, trong 3 tháng qua và cả sau này, đã và sẽ tiếp tục có những con voi, thậm chí con khủng long khác chui lọt lỗ kim.
Bởi không công khai kết quả điều tra, không biết những sản phẩm quần áo, giày dép... dán mác Gucci, D&G với giá vài chục ngàn nhưng được bán lên vài triệu, vài chục triệu đồng trong suốt bao năm qua là thật hay giả thì hoặc người dân tiếp tục bị lừa dối và móc túi, hoặc ngân sách tiếp tục bị thất thu. Quan trọng hơn là những nghi án trốn thuế với quy mô lớn được phát hiện ngày càng nhiều.
Còn nhớ trước tết, nghi án chuyển giá trốn thuế của hàng loạt các công ty đa quốc gia nổi tiếng thế giới như Coca Cola, Pepsi, Adidas, Metro Cash & Carry... cũng khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ.
Có công ty doanh thu hàng chục ngàn tỉ, có công ty liên tục mở rộng quy mô và hầu hết các công ty này đều giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường nội địa trong lĩnh vực mình kinh doanh. Nhưng cả chục năm hoạt động tại Việt Nam, họ không đóng một đồng thuế nào.
Gần đây nhất là nghi án siêu xe “hồi hương” trốn thuế. Theo quy định hiện hành, mỗi Việt kiều khi hồi hương về Việt Nam định cư được phép mang theo một xe ô tô là tài sản đang sử dụng tại nước ngoài và được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, chỉ phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt (từ 45 - 60% theo dung tích động cơ).
Không bỏ qua cơ hội này, siêu xe “hồi hương” tăng vọt. Còn nhớ dư luận đã nhiều lần sửng sốt và kinh ngạc khi bất chấp kinh tế khó khăn kéo dài thì hết tỉnh này đón siêu xe lại đến tỉnh kia đón siêu xe.
Riêng năm 2012, năm được đánh giá là "đáy" của khó khăn thì xe ô tô sang và siêu sang vẫn đổ bộ vào Việt Nam với tư cách là tài sản mang theo của Việt kiều trở về nước định cư. Đáng nói là hầu hết số xe này đều rất mới và có giá trị cực lớn. Nghi án các xe này lách luật, trốn thuế "chạy" đang được điều tra nhưng với các loại thuế được miễn, có thể khẳng định, ngân sách đã mất một khoản cực lớn từ việc này.
Như đã nói trên, hàng hiệu Milano, các thương hiệu đa quốc gia nổi tiếng toàn cầu, xe mang danh của Việt kiều hồi hương... đều có địa chỉ rõ ràng nhưng không hiểu vì sao chúng ta vẫn để họ lách luật, trốn thuế. Điều này cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng chuyên trách về lĩnh vực này.
Ngược lại là những gói hỗ trợ thuế quá "khiêm tốn" cho doanh nghiệp, mức thuế thu nhập cá nhân bất hợp lý và lạc hậu được duy trì nhiều năm, phí cũ nâng lên, phí mới ra đời... Phải chăng vì thất thu lớn, trong đó chủ yếu do sự lơ là của cơ quan chức năng, nên chúng ta đang tận thu nhỏ để bù lại?