Tranh luận nảy lửa về khởi điểm nộp thuế thu nhập

thanhthao |

Chính phủ và Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách chưa thống nhất mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh.

Chính phủ và Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, cơ quan thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện vẫn chưa thống nhất về mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh.

Có một điểm sửa đổi quan trọng trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) – được thảo luận chiều nay trong phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) là về mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh.

Dự án Luật quy định nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng; đồng thời bổ sung quy định: khi giá thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC).

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, mức đề xuất này cao và bất hợp lý xét cả dưới góc độ kinh tế cũng như xã hội vì 3 lý do:

Thứ nhất, việc nâng mức GTGC từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng sẽ làm sai lệch bản chất của thuế TNCN, đưa thuế TNCN trở thành thuế thu nhập cao thông qua việc thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế; ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách, không duy trì và phát huy kết quả đạt được trong quá trình thực thi Luật thời gian qua.

tranh-luan-nay-lua-ve-khoi-diem-nop-thue-thu-nhap

Nếu nay sửa đổi Luật theo hướng nâng mức GTGC lên 9 triệu và 3,6 triệu thì số lượng người nộp thuế còn không đáng kể, chỉ khoảng 1 triệu người, (giảm khoảng 2,87 triệu người), giảm quá lớn so với hiện nay và chiếm tỷ lệ quá ít so với số người có thu nhập. Tương tự, số lượng hộ kinh doanh cá thể thuộc diện nộp thuế TNCN cũng giảm khá lớn .

Thứ hai, việc áp dụng mức GTGC quá cao sẽ làm mất ý nghĩa điều tiết thu nhập từ người có thu nhập cao; việc nâng mức GTGC đối với người phụ thuộc chưa bảo đảm tính công bằng, hợp lý.

Thực tế cho thấy, có một bộ phận cán bộ, công chức đang hưởng mức lương khá thấp (thấp hơn mức GTGC 3,6triệu đồng) . Do đó, nếu quy định mức GTGC đối với người phụ thuộc (không lao động) là 3,6 triệu đồng/tháng thì vô hình chung sẽ dẫn đến tình trạng người lao động sẽ có thu nhập thấp hơn người không lao động, chưa bảo đảm tính công bằng .

Thứ ba, việc nâng mức GTGC là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa bảo đảm tương quan với các nước trong khu vực.

So với GDP bình quân đầu người, quy mô các khoản GTGC của một số nước đều ở mức xung quanh 1 lần mức GDP bình quân đầu người . Nếu nâng mức GTGC lên 9 triệu đồng/tháng thì tương đương với 2,5 lần mức GDP bình quân đầu người vào năm 2014. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ này là cao, chưa bảo đảm tương đồng với các nướccó điều kiện như Việt Nam.

Xuất phát từ những lý do trên, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị hạ mức GTGC đối với người nộp thuế và người phụ thuộc xuống thấp hơn mức quy định trong Dự thảo luật từ 9 triệu xuống còn 7 triệu và từ 3,6 triệu xuống còn 2,8 triệu.

Trong khi tranh cãi về khởi điểm chịu thuế 7 hay 9 triệu của Chính phủ và Ủy ban Tài chính Quốc hội còn chưa ngã ngũ thì Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cả hai mức này mới chỉ đủ sống trong điều kiện hiện nay.

"Trong hoàn cảnh kinh tế như hiện nay, mức 7 hay 9 triệu đã gọi là thu nhập cao chưa? Tôi áng cỡ Chính phủ đưa ra 9 triệu là chưa cao, chỉ đủ sống thôi. Bởi vậy nên bỏ một vài bậc giữa đi", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại