Ngày 23/1, đại gia bán lẻ điện máy Topcare bất ngờ đóng cửa một loạt 6 siêu thị tại Hà Nội, gây hoang mang cho chính nhân viên, khách hàng và cả các đối tác gắn bó lâu năm với thương hiệu này.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh sự việc này, chuyên gia Trần Chiến Bình - CEO Teamwork PR cho rằng, "sự việc này chắc chắn đã và sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thương hiệu của Topcare".
Nhiều người tiêu dùng đã tin tưởng chất lượng sản phẩm điện máy của siêu thị này và hiện đang nhận các chính sách hậu đãi, bảo hành chắc chắn sẽ rất lo lắng, hoang mang, vì Topcare đóng cửa, thì không biết nếu sản phẩm mình mua gặp sự cố sẽ phải xử lý thế nào.
"Cho dù Topcare có mở cửa trở lại, thì chắc chắn sự lo ngại, thậm chí quay lưng của khách hàng là điều khó có thể tránh khỏi" - ông Bình chia sẻ.
Ông Trần Chiến Bình - CEO Teamwork PR.
Ông Bình cũng bày tỏ: Việc Topcare đóng cửa chắc chắn phải ẩn chứa nhiều nguyên nhân, và cụ thể thế nào sẽ phải chờ những người có trách nhiệm lên tiếng trả lời rõ.
"Thực tế, tôi đã theo dõi thông báo của họ về lý do đóng cửa để sửa chữa, nhưng thông thường phải sửa chữa trong năm chứ không ai đi sửa chữa dịp cuối năm như thế này" - ông Bình nói.
Đồng thời, theo ông Bình, thương hiệu là một loại tài sản của doanh nghiệp và hoàn toàn có thể quy đổi thành tiền thì có hoạt động sang nhượng doanh nghiệp.
"Kể cả khi hoạt động của Topcare đang không ổn thỏa, thì các nhà quản trị cũng nên tính đến việc sau này bán lại thương hiệu này cho chủ sau với một mức giá nào đó.
Muốn làm được điều đó, thì ứng xử một cách chuyên nghiệp trong trường hợp này để tránh những thiệt hại lớn hơn nữa, không đáng có là điều cần làm.
Topcare cần có những hành động nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất của cổ đông, nhân viên, người tiêu dùng, khách hàng, của các nhà cung cấp, các đối tác và các bên liên quan" - ông Bình nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia marketing Đỗ Anh lại đưa nhận định, Topcare không còn khả năng nghĩ đến thương hiệu, mà có thể họ đã gặp khó khăn rất lớn.
"Ở đây, rất có thể vấn đề với họ là khấu hao nốt giá trị đã đầu tư vào thương hiệu bằng cách bán lại cho nhà đầu tư nào đó.
Theo thông lệ, khi thương hiệu gặp khó khăn nghiêm trọng thì giải pháp tốt hơn cả là tìm kiếm nhà đầu tư dài hạn.
Tuy nhiên, có thể do gặp vấn đề về đàm phán giữa các bên nên mới xảy ra việc phải đóng cửa hàng loạt như hiện nay"- ông Đỗ Anh bày tỏ.
Cũng theo ông Đỗ Anh, trong tình huống này, cần phải sự lựa chọn các giải pháp ứng phó thông minh trước khó khăn khách quan không thể tránh khỏi của thị trường tiêu dùng nội địa.
Trước đó, nhiều đồn đoán cho rằng, sau nhiều biến động, hệ thống bán lẻ này đã gặp khó khăn và không thể trụ lại trên đường đua nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn của thị trường điện máy.
Một số khác lại đưa ra nhận định, việc dừng hoạt động này xuất phát từ vấn đề về cạn kiệt nguồn vốn, do kết quả kinh doanh không khả quan, đơn vị này bắt đầu nợ vốn từ các nhà cung cấp.
Tuy vậy, cho đến nay, phía Topcare vẫn chưa có thông báo chính thức nào về lý do đóng cửa này để giải tỏa những nghi ngờ.
Chia sẻ trên Zing.vn, một cán bộ marketing - kinh doanh kỳ cựu tại Topcare tiết lộ: "Thực tế, hệ thống vẫn chạy rất tốt cho tới khi gặp vấn đề về vốn, bắt đầu từ khoảng cuối tháng 10/2014 đến nay".
Vị này nói rõ hơn, nhận định Topcare gặp khó khăn về thị trường chỉ đúng vào thời điểm này năm ngoái, chứ không phải hiện tại.