Tổn thất tài nguyên khoáng sản là rất lớn

thanhthao |

“Nhất là các địa phương có biên giới, có cảng thì xuất khẩu khoáng sản thô là khá nhiều”.

Trong phiên họp chiều 15.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Theo Báo cáo, việc ban hành Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường, cùng với 217 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đã tạo được hành lang pháp lý cho công tác quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường thời gian qua, tạo điều kiện cho công tác này từng bước phát triển.

Đến nay nước ta đã phát hiện được trên 5.000 mỏ và điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau. Ngành công nghiệp khai khoáng đã đóng góp từ 10-11% GDP (bao gồm cả dầu, khí). Giá trị sản xuất công nghiệp khai khoáng theo giá hiện hành năm 2001 là 52.238,6 tỷ đồng đến năm 2009 tổng giá trị lên đến 212.164 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp khai khoáng giai đoạn 2001-2009 là 14,9%.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát của UBTVQH cũng chỉ ra 8 hạn chế, yếu kém trong việc thực thi chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, trong đó có công tác quy hoạch và cấp phép khai thác khoáng sản.

Quy hoạch khoáng sản: vừa phê duyệt đã lạc hậu

Trong đó, quy hoạch khoáng sản được đánh giá là thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và tính khả thi thấp; thậm chí có quy hoạch vừa được phê duyệt đã lạc hậu so với tình hình phát triển. Nhiều quy hoạch thiếu tính thực tiễn, luôn phải thay đổi, điều chỉnh làm mất vai trò định hướng, gây nên sự mất cân đối giữa khai thác, chế biến sâu và sử dụng dẫn đến hậu quả xuất khẩu khoáng sản thô quá mức.

Đến năm 2010, công tác điều tra địa chất, thăm dò và đánh giá trữ lượng khoáng sản đã lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 với diện tích 198.000km2 (phần đất liền) còn rất chậm mới chỉ chiếm khoảng 59,86% lãnh thổ đất liền. Việc điều tra, đánh giá khoáng sản chủ yếu ở phần trên bề mặt hoặc đến độ sâu 50-100m và mới chỉ điều tra trên diện tích hạn chế (59,86% lãnh thổ đất liền). Theo thống kê tổng vốn đầu tư từ ngân sách cho điều tra, đánh giá khoáng sản từ năm 2000 đến năm 2012 (12 năm) là 2.189 tỉ VN đồng, trung bình khoảng 180 tỉ VN đồng/năm, nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% tổng nhu cầu phục vụ cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

Khai thác nhiều, chế biến sâu ít

Số lượng cấp giấy phép khai thác khoáng sản của các địa phương khá lớn, vượt quá nhu cầu làm tổn hại tới môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản”, ông Pham Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan được giao chủ trì thực hiện giám sát cho biết.

Theo Báo cáo của Chính phủ, Chỉ trong 3 năm, từ tháng 10/2005 đến tháng 8/2008, các tỉnh, thành đã cấp 3.495 giấy phép khai thác, gấp hơn 7 lần số lượng Trung ương cấp trong 12 năm (Trung ương cấp là 478 giấy phép khai thác). Theo đó, tổn thất tài nguyên  khoáng sản là rất lớn, nhất là các địa phương có biên giới, có cảng thì xuất khẩu khoáng sản thô là khá nhiều.

Cũng theo ông Dũng, số lượng giấy phép khai thác khoáng sản nhiều nhưng số lượng dự án chế biến sâu khoáng sản còn quá ít. Trong các năm qua, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp hơn 4 nghìn giấy phép khai thác, trong khi đó số lượng dự án chế biến sâu khoáng sản còn rất ít. Nếu có thì cũng là những dự án chế biến với công nghệ đơn giản, không có giá trị cao về mặt kinh tế.

Trừ việc khai thác dầu khí của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, khai thác than của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, còn lại nhìn chung trình độ công nghệ cơ bản trong khai thác, chế biến khoáng sản được Đoàn giám sát nhận định là còn tụt hậu khá xa so với thế giới.  Trình độ quản lý kỹ thuật, an toàn trong ngành khai khoáng hiện nay rất đáng lo ngại khiến cho tai nạn lao động xẩy ra khá nhiều (chủ yếu với các mỏ quy mô nhỏ). Do công nghệ lạc hậu nên các doanh nghiệp chưa khai thác triệt để được quặng nghèo cũng như các thành phần có ích đi kèm trong quặng; việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả trong quá trình khai thác và chế biến còn rất thấp, đặc biệt là ở các mỏ hầm lò do địa phương quản lý.

Đoàn giám sát của UBTVQH đề nghị các địa phương chấn chỉnh việc cấp phép, rà soát và thu hồi những giấy phép đã cấp không đúng quy định; không cấp phép cho các dự án khai thác khoáng sản tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; có biện pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại