Dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đã được đặt ra nhiều lần. Nhưng thay vì tích cực chống thất thu ở các đối tượng này để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, chúng ta lại nhắm mạnh vào dân trong nước. Ngưỡng thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu nay lại kéo dài thêm 6 tháng, thay vì áp dụng vào đầu năm 2013 như kỳ vọng của 5 triệu người nộp thuế và đề xuất của rất nhiều đại biểu Quốc hội.
Lâu nay dư luận vẫn bức xúc vì cách quản lý thuế theo kiểu "nắm người có tóc", chỉ thu được ở những địa chỉ cụ thể. Nhưng thực tế cho thấy, ngay cả những đối tượng “rất nhiều tóc”, chúng ta vẫn thất thu.
Minh chứng là các nghi án trốn thuế, chuyển giá vừa qua, toàn là những tên tuổi nổi tiếng của thế giới, chiếm thị phần lớn tại thị trường Việt Nam. Đơn cử như Google, mạng xã hội chiếm tới trên 95% thị phần tìm kiếm trực tuyến tại thị trường nội địa với doanh thu năm 2011 lên tới trên 40 triệu USD nhưng ngân sách không thu được một đồng thuế nào.
Rồi vụ hàng hiệu Gucci, D&G kê khai giá bèo, chỉ vài chục đến trăm ngàn đồng để trốn thuế. Chưa hết bàng hoàng vì vụ này, dư luận lại ngã ngửa khi thông tin đại gia lớn nhất trong ngành thực phẩm thế giới và cũng là doanh nghiệp nước giải khát lớn nhất tại Việt Nam, "ông lớn" Coca Cola cũng chưa hề đóng một đồng thuế nào sau hàng chục năm hoạt động tại Việt Nam, trong khi doanh thu và quy mô hoạt động vẫn tăng trưởng, vẫn được mở rộng theo từng năm...
Theo điều tra của ngành thuế, chỉ trong 6 tháng đầu năm, có trên 460 doanh nghiệp nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá. Điều đó cho thấy ngân sách đã thất thu một khoản khổng lồ. Hậu quả của việc chuyển giá không chỉ thất thu ngân sách mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng, trong đó thiệt thòi lớn thuộc về các doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực.
Để thu hút vốn đầu tư, ta đã sử dụng khá nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Nay thêm với việc không nộp bất cứ đồng thuế nào, họ đã tạo ra một lợi thế mà khó có doanh nghiệp trong nước nào có thể cạnh tranh nổi. Thậm chí, họ dễ dàng thôn tính các doanh nghiệp trong nước, môi trường kinh doanh bị bóp méo.
Chống chuyển giá không đơn giản nhưng việc để tình trạng này kéo dài nhiều năm với các dấu hiệu rất rõ ràng như số lỗ cao hơn vốn chủ sở hữu, lỗ nhưng doanh thu vẫn tăng mạnh, lỗ nhưng vẫn mở rộng quy mô... trách nhiệm của cơ quan quản lý, của ngành thuế là không thể chối bỏ.
Cứ bảo ngành thuế "nắm người có tóc", nhưng Google, Coca, Milano... đâu phải là "kẻ trọc đầu" mà chúng ta vẫn thất thu. Theo thống kê, 10 tháng đầu năm cơ quan thuế và hải quan truy thu, truy hoàn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế hơn 8.901 tỉ đồng; thu hồi gần 19.453 tỉ đồng tiền thuế nợ đọng.
Tin chắc, nếu tích cực chống thất thu, gian lận, nợ đọng thuế thì chúng ta thừa sức miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp, kích thích sức mua từ đó giải phóng tồn kho, tạo đà tăng trưởng cho kinh tế.
Đúng là "tóc dân" dễ nắm.