Mặc dù các nhà máy đã giảm giá thành xuống mức tối đa nhưng chỉ số thu mua (PMI) đã chỉ ra rằng ngành sản xuất ở khu vực này đang bị thu hẹp. Chỉ số chốt Markit là 45,1, chỉ nhỉnh hơn mức thấp nhất là 44,0.
Theo số liệu mới nhất của Trung Quốc vừa công bố, hoạt động sản xuất của quốc gia này cũng lâm vào tình trạng tương tự, thậm chí chạm đáy trong vòng 9 tháng qua. Điều này làm gia tăng lo ngại rằng nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi chậm hơn so với dự đoán.
Chỉ số PMI của Trung Quốc giảm xuống 49,2, mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2011. Trong khi đó, ở Anh, tình hình sản xuất đã biến chuyển theo chiều hướng tích cực với chỉ số PMI tăng cao nhất trong 4 tháng, đạt 49,5 trong tháng 8.
Trong khu vực Eurozone, các quốc gia có nền kinh tế
mạnh như Đức và Pháp đã không còn khả năng hỗ trợ cho những nước yếu hơn. Chỉ số
PMI của Đức cũng giảm xuống 44,7 trong tháng 8.
Ở Ý và Tây Ban Nha, chỉ số PMI duy trì dưới 50 trong hơn 1 năm qua. Nhà kinh tế cấp cao Rob Dobson tại Markit cho biết “Những số liệu trên cho thấy tình hình sản xuất khá ảm đạm. Thậm chí, các quốc gia lớn như Pháp và Đức cũng đang bị kéo vào vòng xoáy khủng hoảng”.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên toàn khu vực Eurozone đã giảm sút 0,2% trong vòng 3 tháng và không có bất kỳ dấu hiệu tăng trưởng nào cho tới năm sau.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã có phiên họp hôm thứ năm để thảo luận về chính sách tiền tệ. Các nhà kinh tế đang kỳ vọng ngân hàng sẽ cắt giảm lãi suất xuống mức 0,5% nhằm cứu vãn tình thế.