Tăng cao nhất là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) với mức phí chuyển đổi ngoại tệ hiện nay lên tới 7%; thấp hơn một chút là Ngân hàng Á Châu (ACB) đưa ra phí dao động 6% (trước đó chỉ khoảng 3-4%).
Kế đến là HSBC, cách đây một tháng chỉ 3% nhưng hiện cũng lên 4,5%. Còn Techcombank từ ngày 4/11 đã điều chỉnh tăng phí quản lý chuyển đổi chi tiêu ngoại tệ của thẻ Visa với mức phí từ 3% lên 3,49% giá trị giao dịch (bao gồm VAT).
Ngân hàng tăng phí chuyển đổi ngoại tệ quá cao khiến người dùng bức xúc. Ảnh:PV
Việc tăng phí lên quá cao như hiện nay, vượt cả giá mua USD tiền mặt tại thị trường chợ đen (đôla chợ đen sáng nay khoảng 21.400 đồng) không những làm giảm sức hấp dẫn của hoạt động chi tiêu qua thẻ mà còn khiến nhiều khách hàng không mặn mà với việc dùng thẻ.
Chị Lan, một khách hàng sử dụng thẻ Visa của Techcombank tính toán, khi dùng thẻ Visa, Master… để rút tiền mặt ở nước ngoài, chị phải chịu hai loại phí và lãi suất. Phí rút tiền khoảng 4%, phí chuyển đổi ngoại tệ gần 4% (khi thanh toán ở nước ngoài, ngoài số tiền phải trả theo tỷ giá chính thức, khách hàng phải trả thêm 4% trên tổng số tiền thanh toán); lãi suất thấp nhất 23% (khoảng 0,064% mỗi ngày) được tính ngay tại thời điểm rút tiền.
Với thẻ ghi nợ Visa Debit, nếu chủ thẻ rút tiền mặt ở nước ngoài cũng sẽ chịu phí rút tiền mặt và phí chuyển đổi ngoại tệ từ 7 đến 11%, cao hơn rất nhiều so với việc mua USD trên thị trường tự do. Đó là chưa kể phải đóng phí thường niên 300.000 đồng, phí thay đổi mã số tài khoản...
"Hiện nay, tỷ giá giữa trong và ngoài ngân hàng chỉ chênh nhau khoảng 300-400 đồng mỗi USD. Như vậy, tôi mua đôla tự do rẻ hơn nhiều so với thanh toán bằng thẻ", chị nói.
Trước thực trạng phí chuyển đổi ngoại tệ tăng cao, nhiều chuyên gia tài chính khuyến nghị, các ngân hàng nên cân nhắc và giảm phí này xuống mức thấp hơn, đặc biệt là phí rút tiền mặt ở nước ngoài thì mới khuyến khích người dân sử dụng thẻ thanh toán quốc tế.
Theo VNE