Tiết vịt lẫn lông và tạp chất
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP.HCM vừa phát hiện xe BS 54-Y5 1648 chở hơn 300kg lòng, huyết vịt không có giấy kiểm dịch. Qua kiểm tra, phát hiện một lượng lớn lòng và cuống họng vịt bốc mùi, lẫn nhiều phân và lông. Ngoài ra, trên xe còn có 2 thùng huyết vịt đã luộc chín lẫn nhiều lông và tạp chất.
Số tiết vịt bẩn bị phát hiện trước khi đưa ra thị trường
Theo quy định, gia cầm kinh doanh phải giết mổ từ các lò được cấp phép và nội tạng phải làm sạch tại lò, sau đó đóng bao bì mới được đem đi tiêu thụ.
Chế biến tiết lợn bẩn, hai lần bị bắt quả tang
Cơ quan chức năng huyện Bình Chánh, TP. HCM vừa phát hiện một điểm sản xuất tiết lợn luộc “bẩn” tại 174B/6B ấp 2, xã An Phú Tây.
Cơ sở này đã gom tiết lợn không rõ nguồn gốc rồi luộc lên bằng phương pháp thủ công, không bảo đảm vệ sinh. Thành phẩm sau khi luộc được đổ trực tiếp xuống nền nhà dơ bẩn. Khi vớt một mẫu tiết lợn đã qua sơ chế, bằng mắt thường quan sát trực quan cũng dễ dàng nhận thấy tiết đã chuyển sang màu xanh đen, ôi thiu, biến chất…
Trước đó, vào tháng 8/2014, cơ sở này cũng đã bị đoàn liên ngành đến lập biên bản xử lý và yêu cầu ngưng hoạt động. Tang vật thu giữ khi đó cũng lên đến hơn nửa tấn tiết heo bẩn.
'Phù phép' tiết lợn thành tiết canh vịt
Theo điều tra của PV báo Người Lao Động, ở TP. HCM, có hàng trăm quán bán tiết canh vịt. Theo nhiều người bán, không thể đủ tiết vịt cung cấp cho các quán. Vì vậy, phần lớn các quán phải dùng huyết lợn rồi “phù phép” thành tiết canh vịt.
Huyết lợn đang chuẩn bị mang đi bán.
Tại cơ sở chuyên bán tiết lợn của bà Năm ở quận Gò Vấp, TP. HCM, hàng chục bịch tiết tươi được đựng trong thùng phuy nhựa để bán. Bà cho biết huyết này trữ được cả tháng vì có pha chất bảo quản.
Tiết heo bốc mùi chuẩn bị vào quán ăn
Tháng 9/2013, cơ quan chức năng quận Thủ Đức phát hiện căn nhà số 1011/1A Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, Thủ Đức chứa khoảng 1.145 kg thịt heo, nội tạng heo, huyết heo đã bốc mùi hôi thối.
Bà Điệp (chủ số hàng trên) cho biết, số nội tạng và thịt heo nói trên bà Điệp thu mua của những người bán trôi nổi trên địa bàn tỉnh Bình Dương đem về sơ chế và bỏ mối cho các quán ăn, quán cơm bình dân.
Nhuộn yến trắng thành huyết yến hảo hạng
Trên nhiều diễn đàn mạng, các thành viên mách nhau về tình trạng yến sào giả tràn lan. Theo đó, có rất nhiều chiêu thức làm yến sào giả, trong đó có tình trạng yến trắng nhuộm thành yến huyết.
Huyết yến là loại tổ yến có màu đỏ tươi và là loại có giá cao nhất trong số các màu vì hiếm hoi và có nhu cầu tiêu thụ cao. Để trở thành huyết yến, hoặc yến đặc biệt bán giá cao hơn, người ta nhuộm thêm màu vàng, đỏ...
Lòng lợn, tiết canh pha nước thải
Những hình ảnh được PV báo Khám phá ghi lại tại lò mổ Vạn Phúc, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội vào năm 2012 khiến nhiều người rùng mình.
Lòng, phân, tiết lẫn lộn.
Hóa kiếp xong con lợn, người mổ lợn thò tay còn dính phân bốc một nhúm muối ném vào chậu, rồi cho chính bàn tay đó vào khuấy đều để chậu tiết không loãng. Số tiết còn ứ đọng trong bụng, các “đồ tể” múc ra các xô, chậu đen sì ngay sát miệng cống nước thải.
Từng xô tiết nổi bọt lềnh bềnh trông như bọt xà phòng, xung quanh là lông phân chưa cọ rửa. Từng bộ lòng được kéo lê trên nền đất cuốn theo lông, tiết lợn rồi được vứt sang khu vực làm lòng ngay cạnh mấy đống phân chưa kịp cọ rửa. Số tiết còn ở trong bụng được rửa qua bằng các vòi nước chuyên dụng.
Hãm tiết vịt bằng chậu và bột “lạ“
Theo điều tra mới đây của PV báo Kiến thức, tình trạng giết mổ gia cầm không đảm bảo vệ sinh, không rõ nguồn gốc tại khu vực giáp đường Đại lộ Thăng Long thật đáng báo động.
Các hộ kinh doanh ở đây hãm tiết vịt bằng những gói bột màu.
Nếu bình thường khi hãm tiết canh, sẽ phải dùng muối loãng hoặc mắm để pha giúp cho tiết không bị đông, thì tại đây, người ta chỉ cần một gói bột “lạ” hòa cùng hai phần nước rồi cắt tiết vịt vào là không bao giờ tiết đông, đồng thời hết cả mùi tanh.
Đánh tiết canh ngay cạnh nhà vệ sinh
Theo phản ánh của PV báo Lao Động tại một cơ sở giết mổ vịt thuê ở “thủ phủ vịt cỏ” Vân Đình, HN, những ngày đầu năm 2014, chọc tiết con vịt xong, bà Dung, một người giết vịt thuê, vứt con vịt vào một chậu lớn ngay bên cạnh rồi dùng bàn tay còn dính phân, nước bẩn trên lông vịt bốc nhúm muối bỏ vào thau và dùng dao chọc tiết khuấy đều để tiết không bị đông.
Bà Dung tiết lộ, trước khi cắt tiết, pha ít nước với phân đạm vào thau để tránh tiết bị đông. Muốn ngon hơn nữa thì cho thêm ít bột oresol vào để khi ăn khách không bị tiêu chảy. Nhiều chủ quán còn mang cả hàn the đến dặn hãm vào tiết để khi đánh xong, tiết canh đông cứng và tươi rói cả ngày.
Tại một quán cháo vịt khác ở thị trấn Vân Đình, vịt sống, lòng mề và tiết được vứt xuống nhà tắm gần ngay nhà vệ sinh. Họ mở túi lòng mề đổ vào nồi luộc mà không cần rửa lại. Đánh xong, họ lại để những bát tiết canh vào một góc bên nhà tắm, mặc cho ruồi nhặng bu đầy.