Vài năm trước giá nước giải khát ở các khu phố cổ Hà Nội chỉ nằm trong khoảng 3.000-5.000 đồng thì giờ đây, một cốc sữa đậu nành trên vỉa hè phố Hàng Bồ lên tới 10.000 đồng mà vẫn đông người thưởng thức.
Ở góc độ người bán hàng nhỏ hoặc gánh rong, việc người dân quen dùng "tiền to" trong khi tiền lẻ gần như biến mất trên lưu thông thị trường khiến họ chịu ảnh hưởng ít nhiều. Không có tiền thừa trả lại khách, những tiểu thương này sẽ chỉ còn cách chấp nhận bán chịu, hoặc không bán được hàng.
Mặt bằng giá tăng cao đã khiến một bộ phận người dân trở nên thờ ơ với tiền lẻ, bao gồm những đồng mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng. Thậm chí, một vài người còn tỏ ra khó chịu khi phải “ôm” những tờ bạc lẻ trong ví.
Phần lớn người dân luôn mang tâm lý những tờ bạc dưới 5.000 đồng có mệnh giá quá nhỏ, việc chúng xuất hiện trong ví tiền hay không cũng ít ảnh hưởng đến các cuộc mua bán. Đối với một số người tiêu dùng, tiền lẻ nằm trong túi cũng gây cảm giác “khó chịu”.
Nguồn tiền có mệnh giá thấp trong các siêu thị phần lớn cũng đang trở nên khan hiếm. Hầu hết khách đi mua hàng có hóa đơn lẻ tiền đều phải nhận kẹo hoặc sản phẩm có giá trị tương đương.
Không riêng gì thị trường tiêu dùng, tại ngân hàng, giờ đây hầu hết các máy ATM đều trả tiền có mệnh giá thấp nhất là 50.000 đồng. Phần lớn người dân tìm đến các cây rút tiền đều cho biết họ gần như không bao giờ bắt gặp những tờ bạc mệnh giá thấp, dưới 20.000 hay 10.000 đồng trong ATM.
Hơn nữa, nhu cầu dùng tiền lẻ hiện nay trong đời sống cũng bị hạn chế rất nhiều do mặt bằng giá cả ngày một cao. Để sử dụng những hàng hóa, dịch vụ bình thường, người dân phải chi trả ít nhất vài ngàn trở lên. Vì vậy, những đồng mệnh giá dưới 5.000 đồng ngày càng hiếm, ông nói thêm.
Trong tương lai, TS Vũ Đình Ánh nhận định, với biến động về giá trị hàng hóa cùng mức thu nhập của dân cư như hiện nay, việc các đồng tiền mệnh giá thấp sẽ dần biến mất trên thị trường là hiện tượng bình thường.