Số người vay tiền mua xe giảm mạnh
Không ít nhận định thiếu lạc quan khi dự báo về tăng trưởng thị trường ô tô năm nay khi cho rằng, mức tăng chỉ từ 5% đến 10% so với năm 2015.
Trong khi, năm 2015, thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng ở mức 55% so với 2014.
Doanh số bán ô tô giảm có lý do từ lãi suất ngân hàng tăng.
Giám đốc một đại lý bán xe Toyota tại Hà Nội cho biết, nếu như vào cuối năm 2015, cứ 10 người đến mua xe, thì có tới 5 người vay vốn ngân hàng, thì nay số khách hàng này giảm mạnh.
Một số ngân hàng cũng thú nhận, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng trào lưu vay tiền mua xe giảm mạnh.
Vấn đề chính là lãi suất đang tăng khiến khách hàng băn khoăn về khả năng thanh toán của mình.
Năm 2015, vay tiền mua ô tô, lãi suất ưu đãi 3 tháng đầu dao động từ 5,5%-5,9%/năm, còn với 6 tháng từ 6,5%-7%/năm.
Nhưng sang 2016, lãi suất ưu đãi đã tăng lên mức 6,5%-6,9% cho thời hạn vay 3 tháng và 7,5%-7,9% cho thời hạn vay 6 tháng.
Sau khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ được tính dựa trên lãi suất cơ sở, thường là lãi suất bình quân vốn đầu vào, cộng thêm biên độ.
Biên độ của các ngân hàng hiện đang dao động ở mức 3,5%-4,3%. Còn lãi suất cơ sở của một số ngân hàng đã tăng lên từ 6,5%-7%.
Không những thế, xu hướng lãi suất tăng là điều khiến nhiều khách hàng e ngại và tạm dừng vay vốn mua xe.
Nhu cầu huy động vốn trái phiếu Chính phủ và tín dụng trung dài hạn tăng cao là nguyên nhân chính đang tạo áp lực lên lãi suất.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm trong năm 2015 ở mức 7%/năm.
Trong khi đó, nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ năm 2016 còn cao hơn năm 2015, sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn.
Ngoài ra, kinh tế hồi phục, nhiều DN có nhu cầu vốn trung dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất, khiến cho tín dụng tăng và các ngân hàng đang có xu hướng tăng lãi suất huy động.
Khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng theo.
Những khách hàng mua xe thời điểm này có thể sẽ phải chịu lãi suất cao hơn dự tính trong tương lai.
Hiện các ngân hàng vẫn đưa ra những gói sản phẩm dành cho khách vay mua ô tô với lời mời hấp dẫn.
Tuy nhiên, nếu không cân đối tài chính và tính toán kỹ, người vay rất dễ bị áp lực bởi các khoản nợ, thậm chí không có khả năng chi trả.
Đây là lý do khiến cho nhu cầu về ô tô khó tăng mạnh trong thời gian tới.
Liên tiếp ra mắt "xế khủng" cứu thị trường
Bắt đầu từ 3/2016, thị trường ô tô bắt đầu sôi động, khi có hàng loạt mẫu xe mới xuất hiện. Các DN cho biết đây là thời điểm tốt nhất để tung ra những "quân bài" chiến lược của năm để kéo thị trường hồi phục.
Ngày 7/3, Jaguar Land Rover Việt Nam công bố ra mắt mẫu Range Rover Evoque 2016 với nhiều thay đổi, có giá tạm tính 3,5 tỷ đồng.
Tiếp đến ngày 9/3 đến lượt Porsche Việt Nam giới thiệu thế hệ thứ 7 của dòng xe 911, với 12 phiên bản, có giá bán dao động từ 6,7-15,44 tỷ đồng.
Vào ngày 10/3 Công ty Euro Auto giới thiệu phiên bản BMW 520i Special Edition dành riêng cho Việt Nam với giá bán với giá bán 2,098 tỷ đồng.
Đặc biệt, phiên bản này có giá rẻ hơn so với phiên bản đầy đủ trên 200 triệu đồng.
Tiếp theo đó, ngày 18/3 Công ty Euro Auto lại cho ra mắt mẫu xe MINI Clubman thế hệ thứ 2 với giá bán từ 1,638-1,872 tỷ đồng, động cơ gồm phiên bản 1.5L và phiên bản 2.0L.
Mẫu xe mới đã thoát hẳn cái bóng của những phiên bản trước và được xếp vào hàng xe sang đô thị, có thể cạnh tranh cả với những đối thủ như Mercedes-Benz GLA, Audi Q3 và Range Rover Evoque.
GM Việt Nam cho biết vào cuối tháng 3 sẽ cho ra mắt mẫu Chevrolet Captiva mới với những thay đổi mạnh mẽ.
Ở thế hệ mới, Captiva sẽ tăng giá khoảng 50 triệu đồng so với trước, nhưng bù lại, xe được trang bị nhiều công nghệ hơn, thiết kế bắt mắt hơn.
Doanh số bán xe trong hai tháng đầu năm 2016 sụt giảm, khiến các DN ô tô thấy lo lắng và tìm các giải pháp thúc đẩy bán hàng.
Việc ra mắt một loạt mẫu xe chiến lược trong tháng 3 và tháng 4 sắp tới đều nhằm mang lại sự sôi động cho thị trường, tăng cạnh tranh giành thị phần.
Ngoài ra, các DN cho biết cũng đang đẩy mạnh khuyến mãi để thu hút khách hàng. Hy vọng từ tháng 3 trở đi, thị trường ô tô bắt đầu phục hồi.