Sau khi thông tin về việc 17 thủy thủ trên tàu Thái Sơn 18 bị mắc kẹt tại Philippines được đăng tải, phía chủ tàu là Công ty Nghĩa Thái Sơn đã có phải hồi. Theo đó, Chủ tịch – Giám đốc công ty – Nguyễn Văn Quang khẳng định “không bỏ rơi thủy thủ” và đã cử đại diện sang giải quyết vụ việc tại Philippines.
Theo thông tin sau đó từ phía ông Quang cũng như xác nhận từ phía
thủy thủ đoàn, ngày 14/10, đại diện chủ tàu và đơn vị sửa chữa (4 người)
đã có mặt tại Bataan (Philippines) để làm việc với thuyền viên và khắc
phục sự cố trên tàu.
Theo băng ghi hình buổi làm việc giữa các bên trưa 14/10, chủ tàu hứa sẽ chấm dứt tình trạng không thực phẩm, không dầu máy trên tàu trong vòng 2 ngày. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 16/10, thủy thủ đoàn cho biết họ vẫn chưa nhận được số hàng nhu yếu phẩm nêu trên.
17 thủy thủ trên tàu Thái Sơn 18 và đại diện Hiệp hội Lao động vận tải quốc tế (ITF) tại Philippines.
Một vấn đề khác cũng này sinh thủy thủ đoàn từ chối cho thợ sửa chữa xuống tàu cho đến khi công ty không thanh toán đủ số nợ lương tính đến ngày 12/10, tiền ăn và phí sửa chữa trước đó. Cùng với đó, việc tính toán số công nợ nêu trên cũng đang vấp phải nhiều bất đồng giữa 2 bên.
Riêng đối với chuyện nợ lương, phía công ty cho biết họ hiện chỉ có trách nhiệm thanh toán đến hết tháng 8/2012 do thỏa thuận lao động với thủy thủ cho phép họ được chậm trả tối đa 2 – 3 tháng (tùy trường hợp) và doanh nghiệp đang trong điều kiện khó khăn.
Trừ đi số tạm ứng trước đó, nợ lương còn lại được tính toán là 333 triệu đồng, tương với 70% lương thỏa thuận với thuyền viên. “Sở dĩ thủy thủ chỉ được nhận 70% lương vì tàu hiện không hoạt động, chỉ nằm sửa chữa. Điều này đã được quy định trong hợp đồng”, Giám đốc Phạm Văn Quang giải thích.
Clip: Lời hứa của đại diện chủ tàu với thuyền viên:
Tuy nhiên, phía thủy thủ đoàn lại không đồng ý với lập luận này. Đại diện thủy thủ cho biết trước khi nhận tàu tại Davao (Philippines), họ không hề biết về hiện trạng hỏng hóc, không thể hành hải của con tàu (do máy chính và nhiều thiết bị quan trọng khác). Trong thời gian sửa chữa tàu, 17 thủy thủ cũng phải làm việc 16 – 17 giờ mỗi ngày (trong khi biên chế tàu là 23 người) để khắc phục sự cố. Do đó, họ không đồng ý nhận 70% lương như cách tính của công ty.Bất đồng tương tự cũng xảy ra khi các bên tính toán về chi phí sửa chữa (do chính thủy thủ đoàn thực hiện), cũng như chi phí sinh hoạt của tàu. Theo đó, phía thủy thủ cho rằng mức giá sửa chữa cũng như biểu phí sinh hoạt do chủ tàu đưa ra là quá thấp so với thực tế. Do đó, trong khi phía công ty tính toán mức sinh hoạt phí đã tạm ứng cho tàu hiện vẫn đủ dùng thì thủy thủ đoàn lại khẳng định đã hết từ lâu.
“Do kho lạnh trên tàu hỏng nên giám đốc đã đồng ý cho chúng tôi đi chợ ngày. Chưa kể giá cả đắt đỏ, rau xanh đắt 7 – 8 lần Việt Nam, mỗi lần thuê đò đi chợ hết 30 USD. 26 ngày như vậy mất 780 USD nhưng chúng tôi chỉ tính với công ty có 400 USD”, đại diện thủy thủ lấy ví dụ.
Thủy thủ yêu cầu trả hết nợ lương và các khoản tiền ăn, tiền sửa chữa mới chịu hợp tác, sửa chữa tàu
Một vấn đề khác cũng được đề cập đến là tiêu hao dầu chạy máy trên tàu. Theo tính toán của chủ tàu, trong khoảng thời gian từ 17/8 đến nay, Thái Sơn 18 đã nhận được tổng cộng 6.800 lít dầu DO từ các đại lý cũng như hỗ trợ từ Hiệp hội Lao động vận tải quốc tế (ITF). Nếu chỉ dùng số nhiên liệu này để chạy máy phát điện, phục vụ sinh hoạt, không xảy ra thất thoát thì không thể có chuyện hết dầu (đủ chạy trong 146 ngày).
Tuy nhiên, theo thủy thủ, ngoài việc chạy máy phát phục vụ sinh hoạt, số dầu trên còn được dùng để chạy kho lạnh và quan trọng hơn là chạy máy chính của tàu để đảm bảo an toàn trong điều kiện sóng to gió lớn. “Chúng tôi cũng đã báo cáo việc dùng dầu DO để chạy máy chính với chủ tàu và được chấp nhận”, thủy thủ đoàn cho biết.
Trong khi những khúc mắc nêu trên vẫn chưa được giải quyết, ngày 14/10, thủy thủ đoàn đã có đơn kiến nghị gửi lãnh đạo Công ty Nghĩa Thái Sơn yêu cầu thanh toán hết nợ lương (4 tháng) và các khoản chi phí tồn đọng khác, nếu không sẽ ngừng hợp tác với công ty, không cho nhóm sửa chữa xuống tàu. Tính đến hết ngày 16/10, mặc dù phía ITF cũng đề nghị 2 bên hợp tác nhưng sự việc vẫn dậm chân tại chỗ.
Đến sáng 17/10, phía doanh nghiệp cho biết vừa gửi văn bản đến Cục Hàng hải Việt Nam, đề nghị phối hợp giải quyết. Đồng thời, chủ tàu cũng đề nghị cơ quan ngoại giao giúp đỡ, đảm bảo an toàn cho lãnh đạo công ty khi sang làm việc với thủy thủ đoàn.