Ngày 2/2, bà Trịnh Thị Hồng Phượng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) đã họp cùng 16 quan chức đại diện cho 7 ngân hàng là chủ nợ để “chốt” phương án tái cơ cấu lại doanh nghiệp nợ gần 1.600 tỷ đồng.
Hiện doanh nghiệp này còn 850 công nhân và đơn hàng 2 tỷ USD. Trong năm 2012, dù khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn có doanh thu 10 triệu USD.
Tham dự cuộc họp, ông Nguyễn Minh Trí, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đề xuất cùng Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng An Bình (ABBank) tiếp tục thực hiện phương án góp vốn vào thủy sản Phương Nam.
Còn đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phát biểu rằng không góp vốn vì đang tiếp tục xử lý nợ tài sản cố định bên ngoài nhà máy.
Ông Nguyễn Tấn Bửu, Giám đốc chi nhánh Sóc Trăng thuộc Công ty TNHH Một thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và lãnh đạo Ban quản lý tín dụng của Ngân hàng Việt Thái nêu ý kiến sẽ tham gia cơ cấu nợ trong 5 năm tại Công ty Phương Nam và 3 năm đầu sẽ chưa thu lãi.
Trong đó, Agribank sẽ xem xét tài trợ vốn lưu động từ nguồn bán tài sản thế chấp khoảng 60 tỷ đồng trước tháng 3/2013.
Sau khi nghiên cứu đề nghị của lãnh đạo LienVietPostBank, ông Nguyễn Thế Thắng, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo VDB chấp thuận để tạo điều kiện cho các ngân hàng tham gia tái cơ cấu lại thủy sản Phương Nam.
Theo ông Thắng, ngoài đề nghị cấp trên sớm có ý kiến về việc góp vốn, chi nhánh VDB Sóc Trăng cũng sẽ báo VDB xem xét tài trợ vốn tín dụng xuất khẩu cho Công ty Phương Nam sau khi tái cơ cấu xong.
Kết thúc cuộc họp, các ngân hàng thống nhất đồng ý cho LienVietPostBank góp vốn 125 tỷ 570 triệu đồng, Sacombank và ABBank mỗi bên góp hơn 80 tỷ đồng để Công ty Phương Nam mới có vốn điều lệ 295 tỷ đồng.
Dự kiến ngày 4-7/2 sẽ chuyển hồ sơ sang Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng thay đổi giấy đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp bắt đầu đi vào sản xuất ổn định. Khi đó, tổng công nợ của Phương Nam chỉ còn khoảng 1.514 tỷ đồng.
Đối với những khoản nợ ngoài nhá máy của Công ty Phương Nam đặt tại quốc lộ 1A, TP Sóc Trăng, hiện nay ngân hàng chủ nợ đã lấy biệt thự của Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân để cho Công ty cổ phần Xây dựng Sóc Trăng thuê mở nhà hàng khách sạn. Đây là động thái xử lý nợ của ngân hàng cho vay và căn nhà của ông Khuân tại số 116 đường Hai Bà Trưng (TP Sóc Trăng) cũng cùng chung số phận.
Riêng căn nhà 32 đường Nguyễn Văn Cừ, TP Sóc Trăng (nơi thường trú của ông Khuân) đã được con trai Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Nam bán cho chủ một tiệm mì. Hiện ông Khuân đang ở bên Mỹ với vợ và 1 con gái, 1 con trai.