Ông lớn hết thời
Năm thứ 2 liên tiếp Licogi 16 (LCG) - vốn là một DN đại gia, hàng đầu trên sàn chứng khoán Việt Nam với doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng, lợi nhuận vài trăm tỷ, đưa ra một kế hoạch cho năm mới đầy thất vọng.
Kịch bản tốt nhất cho doanh nghiệp này năm 2013 là: cố gắng đạt lợi nhuận 0 đồng và phải bán bỏ một số dự án theo đuổi trước đó. Điều này không sốc như năm trước bởi những khó khăn của DN này đã được các cổ đông lớn nhỏ nhận biết được rõ ràng hơn.
Cùng thời gian này năm ngoái, LCG đã một đại hội cổ đông đầy sóng gió khi mà lần đầu tiên không chỉ cổ đông của LCG mà giới đầu tư trên sàn chứng khoán mới được rộng rãi nghe đến: Kế hoạch lợi nhuận 2012 là 0 đồng.
Nó còn sốc ở chỗ LCG là một "cỗ máy in tiền" trong các năm trước đó với lợi nhuận/cổ phiếu (EPS) lên tới trên 10.000 đồng - thuộc tốp đầu trong 600-700 doanh nghiệp trên sàn.
Đúng như dự báo khó khăn của ban lãnh đạo, năm 2012, LCG lỗ gần 38 tỷ đồng. Hiện tượng thua lỗ rất có thể sẽ lại xảy ra với LCG trong năm 2013 với kịch bản lỗ 94 tỷ đồng.
Với việc bị lỗ trong năm vừa qua, LCG từ doanh nghiệp hoành tráng một thời nay rơi vào diện bị cảnh báo.
Chung số phần với LCG, rất nhiều DN nổi đình đám trên thị trường với cổ phiếu được liệt vào dạng blue-chips trong nhiều năm liên tiếp gần đây cũng có những kết quả kinh doanh bi bét và kế hoạch đầy màu xám như những doanh nghiệp cùng chung án cảnh báo với LCG như: KBC, VOS, KDH...
Nói tới Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), cách đây vài năm, giới đầu tư ắt hẳn phải gắn thêm cho cổ phiếu này cái đuôi blue-chips. Đơn giản chỉ ở chỗ, DN này có quy mô vốn vài nghìn tỷ đồng, tài sản gần chục nghìn tỷ đồng và sở hữu rất nhiều BĐS công nghiệp trên khắp cả nước.
Cổ phiếu này gắn với ông Đặng Thành Tâm - một người từng đứng đầu danh sách những người giàu nhất TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, vào thời điểm này, vị thế của KBC đã xuống rất nhiều. Dân chơi chứng khoán không còn nhắc nhiều tới cổ phiếu vang bóng một thời này. Giá KBC giờ cũng chỉ còn gần 8.000 đồng/cp, thấp hơn mức đỉnh cao gần 70.000 đồng/cp.
Kế hoạch năm mới chưa có nhưng năm vừa qua (2012) KBC chứng kiến mức lỗ gần 440 tỷ đồng và doanh thu chỉ đạt 330 tỷ đồng, bằng khoảng 10% vốn điều lệ. Tổng dư nợ tiếp tục tăng và bằng tới 1,7 lần vốn chủ sở hữu.
Trong khi đó, cổ phiếu đầu ngành vận tải biển VOS cũng có một tình cảnh bi đát không kém. DN nghìn tỷ này cũng vừa "được" xếp vào diện bị cảnh báo do lỗ gần 35 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Con số lỗ này khá nhỏ bé so với quy mô của doanh nghiệp nhưng nó có thể không phản ánh hết được những khó khăn của đơn vị này. Mức giá 3.800 đồng/cp và tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 2,6 lần có lẽ mới nói lên được thực tại của VOS.
Một số doanh nghiệp lớn cũng rơi vào tình trạng khó khăn như: VCG, SCR, QCG, PSG, THV, PVR, PVX, KDH, PSB, PXT...
Lụn bại vì tài chính, BĐS
Đa số các DN nói trên đã xây dựng uy tín, vị thế trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, vị thế "ông lớn" đã suy giảm khá nhiều có thể cũng chính từ hậu quả của một thời dễ dãi, từ những rắc rối trong đầu tư BĐS và tài chính.
Trong đại hội cổ động cuối tuần qua, ban lãnh đạo LCG đã nhận lỗi về mình, lý giải những khó khăn và triển vọng đáng buồn của DN do năng lực của bộ máy điều hành, do khả năng lực dự báo thị trường...
Trên thực tế, những khó khăn đã được LCG nhận biết từ cuối 2011 và đầu năm 2012. Năm 2012 là một năm khó khăn do doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền, thiếu hụt vốn, đã dùng nhiều vốn ngắn hạn đầu tư dự án dẫn đến chi phí tài chính cao và thị trường BĐS đóng băng.
Và trong bối cảnh dòng tiền thiếu hụt như vậy, LCG phải gồng mình với rất nhiều dự án với quy mô vốn đầu tư cho mỗi cái rất lớn dẫn đến thiếu hụt nguồn tiền.
Trong trường hợp KBC, DN này rơi vào khó khăn chủ yếu do nguồn doanh thu thuần giảm mạnh (2012 giảm 56%), do doanh thu tài chính không nhiều (giảm 81%) trong khi chi phí tài chính lớn và một phần do chi phí tăng cao. Hoạt động đầu tư dàn trải vào hàng loạt các dự án BĐS dân dụng và công nghiệp, cùng với các khoản đầu tư tài chính đã kéo doanh nghiệp đại gia này vào vòng gian khó.
Một DN dạng "khủng" khác là Vinaconex (VCG) cũng đối mặt với muôn vàn khó khăn. Doanh nghiệp này đã có cả một năm vừa qua trong tình trạng tài chính căng như dây đàn. Chung cuộc cả năm VCG thoát lỗ nhưng con số nợ lên tới trên 22.000 tỷ đồng, cao gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu, trong đó có nhiều khoản đến hạn phải thanh toán đã khiến doanh nghiệp này lao đao. Các khoản vay vài ngàn tỷ cùng các dự án đầu tư kém hiệu quả như Xi măng Cẩm Phả đã bào mòn gần hết lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Hàng loạt các doanh nghiệp khác cũng đang vật lộn với nhiều dự án không còn hiệu quả trong bối cảnh kinh tế thay đổi như: THV, KDH, QCG, PSG... Nhiều doanh nghiệp lớn đang phải tiến hành tái cấu trúc một cách mạnh mẽ dưới nhiều phương thức. Trong đó, thoái vốn, bán bớt tài sản, dự án là một lựa chọn được nhiều doanh nghiệp đã và đang tính tới.