Giải thích việc tăng giá này, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đều cho rằng do biến động của giá thế giới. Thế nhưng, theo phân tích của Tuổi Trẻ, giá thế giới chỉ tác động một phần, phần còn lại có thể do tăng thuế.
Mức tăng giá xăng qua hai đợt khiến gánh nặng xăng dầu trong tổng chi phí hằng tháng của người dân tăng đáng kể. Tỷ lệ chi phí xăng dầu so với thu nhập của người lao động cũng đội lên đáng lo ngại.
Đội thêm ít nhất 309 đồng/lít
Lý giải cho quyết định điều chỉnh giá xăng tăng thêm 1.200 đồng/lít tối 20/5, Bộ Công Thương cho rằng, giá xăng dầu gần đây biến động liên tục khiến giá cơ sở cao hơn giá bán xăng dầu trong nước. Do đâu mà giá cơ sở tăng cao?
Giải thích tiếp theo của bộ này, nguyên nhân là giá thế giới tăng. Tuy nhiên, phân tích dưới đây cho thấy thuế là một trong những nguyên nhân chính của đợt tăng giá.
Theo biểu thuế và phí của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, kết cấu giá cơ sở hiện tại bao gồm các loại thuế phí như trước đây, gồm chi phí và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp đầu mối, thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt, trích lập bình ổn giá, thuế giá trị gia tăng.
Trong kết cấu giá cơ sở mới, áp dụng từ đầu tháng 5, có một khoản tăng thêm so với kết cấu cũ. Đó là 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường, tăng thêm 2.000 đồng/lít xăng so với mức cũ.
Chỉ trong vòng 15 ngày qua, giá xăng đã tăng hai lần.
Sở dĩ tăng thuế môi trường, theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/3, để bù đắp ngân sách khi VN phải cắt giảm thuế xuất nhập khẩu từ 35% xuống còn 20%, từ ngày 1/5.
Ông Dũng cũng cho rằng, số tăng thuế môi trường thấp hơn số giảm thuế nhập khẩu nên không ảnh hưởng đến giá bán lẻ.
Tuy nhiên, theo tính toán qua hai đợt tăng giá trong tháng 5/2015 lại cho thấy thuế môi trường có ảnh hưởng đến giá bán lẻ.
Cụ thể, nếu áp mức 35% như cũ, thuế nhập khẩu sẽ khoảng 3.945 đồng/lít. Nếu áp mức mới 20% sẽ khoảng 2.254 đồng/lít.
Như vậy, khoản giảm thuế nhập khẩu giúp giá xăng giảm được 1.691 đồng/lít. Giảm chừng đó nhưng do phải cộng thêm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường so với mức cũ, giá xăng đã bị đội thêm 309 đồng/lít.
Chưa hết, với giá xăng nhập từ Singapore do chính Bộ Công Thương công bố ngày 30/4 là 79,64 USD/thùng thì mức 81,77 USD/thùng ngày 20/5 đã tăng 2,7%.
Trong khi đó giá xăng trong nước đã tăng khoảng 18% (3.150 đồng/lít) trong cùng thời điểm.
Nếu trừ đi khoản tăng tương ứng từ giá thế giới, giá xăng vẫn bị đội lên 1.247 đồng/lít. Như vậy, nếu không phải chịu thuế môi trường mới và tính đúng với mức tăng của thế giới, giá xăng chỉ ở mức 19.183 đồng/lít.
Đó là tính theo giá nhập khẩu mà Bộ Công Thương công bố trong ngày tăng giá xăng 20/5. Còn theo số liệu của Bloomberg, mức xăng từ ngày 5/5 (đợt tăng giá gần nhất của xăng VN) tới nay đã diễn biến theo chiều hướng giảm.
Cụ thể, nếu như giá dầu thô ngày 5/5 là 60,38 USD/thùng thì tính tới ngày 20/5 là 58,59 USD/thùng, giảm 2,96%. Giá xăng Singapore thường biến động tỷ lệ thuận với sự biến động của dầu thô.
Chi phí xăng VN đứng ở mức cao
Theo Hiệp hội Xăng dầu VN, trung bình mỗi ngày thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 38 triệu lít xăng dầu các loại.
Với dân số 90 triệu dân, tính ra lượng xăng tiêu thụ đầu người khoảng 0,42 lít/ngày, tương đương khoảng 8.626 đồng tiền xăng mỗi ngày, tức 258.780 đồng tiền xăng mỗi tháng.
Nếu theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người của VN năm 2014 đạt khoảng 2.028 USD, tương đương 169 USD/tháng, tức 3.550.000 đồng/tháng, tính ra tiền xăng hiện tại chiếm khoảng 7% thu nhập hằng tháng của người VN.
Còn nếu tính theo giá dầu diesel 15.880 đồng/lít, chi phí dầu mỗi ngày sẽ ở khoảng 6.670 đồng, tức 200.000 đồng tiền dầu mỗi tháng. Với mức này, chi phí dầu chiếm hơn 5,6% thu nhập hằng tháng của người VN.
Con số trên nếu so với các nước trong khu vực là có chênh lệch, khi tỷ trọng chi phí xăng dầu trên thu nhập bình quân của các nước Đông Nam Á chỉ nằm trong khoảng 0,5-3,5% thu nhập.
Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại VN, cho rằng chi phí xăng dầu là khá nhạy cảm với đời sống người dân và doanh nghiệp, do vậy nếu tăng thuế xăng dầu phải đi đôi với hỗ trợ trở lại.
Cần lưu ý việc tăng thuế với xăng dầu sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt với các nước có mức thuế thấp hơn, nhất là các nước trong khu vực.
Do vậy cần tìm cách bù đắp lại cho doanh nghiệp để họ cạnh tranh được ở sân chơi quốc tế, bằng cách giảm các loại thuế khác.
Bên cạnh đó, sẽ có những bộ phận khác nữa bị ảnh hưởng nặng nề từ việc tăng thuế xăng dầu, do vậy phải đồng thời có những gói hỗ trợ với các nhóm bị ảnh hưởng đó.
Băn khoăn chuyện thuế môi trường
Chỉ trong vòng một ngày 21/5, Tuổi Trẻ Online đã nhận được trên 800 ý kiến phản hồi từ bạn đọc xung quanh vấn đề xăng tăng giá.
Trong đó có rất nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn trước việc tăng thuế môi trường từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít trong khi kế hoạch chi tiêu cho môi trường ra sao chưa hề được công bố.
Bạn đọc cũng thắc mắc về việc bộ trưởng nói xăng không tăng sau khi áp thuế môi trường song thực tế lại tăng tới hai lần ngay sau đó.
Nhiều bạn đọc góp ý cách điều hành xăng dầu cần minh bạch và tránh có những động thái áp đặt khiến người dân liên tưởng tới việc lợi dụng vị thế độc quyền để ép người tiêu dùng.
>>> Vụ bia Heineken đóng nắp Tiger: Quy trình sản xuất có vấn đề?