Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, thực chất của động thái tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng là xuất phát từ yêu cầu của Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) mà Việt Nam đã tham gia trước đó.
Cụ thể, theo ATIGA thì từ ngày 1/1/2015, Việt Nam sẽ bắt đầu phải thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo đúng cam kết.
Trong đó, mức thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ là 20%, xăng máy bay là 10%; nhiên liệu bay, dầu diesel và dầu hỏa là 35%.
Tuy nhiên, hiện tại mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng hiện nay đã lên tới 35% tức là cao hơn 15% so với mức cam kết của Hiệp định.
Như vậy, theo ông Long việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 1.000 đồng/lít lên tới 3.000 đồng/lít chỉ là bù đắp cho phần giảm xuống của thuế nhập khẩu xăng.
"Đã tham gia Hiệp định thì phải cam kết thực hiện. Việc giảm thuế theo cam kết là đương nhiên.
Tuy nhiên người dân lại không được hưởng lợi từ ATIGA khi thuế nhập khẩu giảm từ 35%-20% với mặt hàng xăng”, ông Long nói.
Ông Long cũng cho biết, cùng với việc tăng thuế bảo vệ môi trường thì thuế nhập khẩu cũng giảm ở mức 15%. Mức giảm nhiều hơn nên giá bán lẻ xăng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Cùng ý kiến,Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng: “Khi giảm thuế xuất nhập khẩu 15% thì người dân người ta kỳ vọng được hưởng lợi từ đó.
Hơn nữa, lấy một loại thuế để bù đắp một loại thuế khác với mặt hàng đó thì có nên không?”.
Vậy tại sao phải tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng lên mà không phải các loại thuế khác?
Giải thích về vấn đề này, TS. Lương Văn Khôi, Trưởng Ban kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Mặt hàng xăng dầu hiện đang phải chịu 4 loại thuế, gồm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Trong đó, điều chỉnh thuế nhập khẩu trong khung thuế suất (0-40%) thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Khi giá xăng dầu giảm mạnh, Bộ Tài chính đã nhiều lần điều chỉnh thuế nhập khẩu và hiện đã lên đến 35%. Vì vậy, nếu giá xăng dầu giảm tiếp, Bộ Tài chính sẽ thực hiện điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này.
Tuy nhiên, thuế nhập khẩu xăng dầu cũng không thể vượt quá 40%, vì theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, mức thuế nhập khẩu tối đa với xăng dầu là 40%.
Thuế giá trị gia tăng trên thế giới chỉ có 1 hoặc 2 mức (ngoại trừ thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu).
Hiện Việt Nam chỉ có 2 mức thuế giá trị gia tăng là 5% và 10%, hiện tại xăng dầu chịu thuế giá trị gia tăng là 10% - mức thuế cao nhất nên khó có thể tăng thêm nữa.
Vì vậy, chỉ có thể xem xét tăng thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng tình với đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trước, vì để điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt mất rất nhiều thời gian.