Thu lợi khủng từ việc bắt sứa biển

Mỗi đêm khai thác sứa, người lao động có thể bỏ túi từ 1,5 đến 2 triệu đồng, trong khi các cơ sở chế biến, thu mua có lợi nhuận hàng trăm triệu mỗi mùa.

Tại các xã vùng bãi ngang thuộc huyện Lộc Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên… một số ngư dân tạm thời chuyển từ nghề cào nghêu, đánh bắt ven bờ sang nghề mới là đánh bắt sứa biển. Việc đánh bắt sứa biển đang diễn ra rầm rộ, theo phong trào ở các xã bãi ngang thuộc huyện Lộc Hà. Chỉ riêng huyện này đã có gần 500 thuyền cùng hàng trăm ngư dân đang bám biển, lặn ngụp, tham gia đánh bắt loại hải sản này.

Tại vùng biển Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, từ khoảng 4h đến 6h sáng, hàng ngày có hàng chục thuyền nhỏ của ngư dân khai thác sứa biển trở về. Theo ngư dân Nguyễn Văn Lam (47 tuổi, xã Cẩm Nhượng) cho biết, đây là vào vụ mùa sứa, nên ai cũng tập trung thai thác, đánh bắt.

Hết mùa sứa lại chuyển sang đi đánh bắt cá, tôm, cua, ốc… Anh Nguyễn Thanh Bình, ngư dân vùng biển Cẩm Nhượng cho biết, sản lượng có thể lên tới hơn 500 đầu sứa/đêm, thậm chí có thuyền là 800 đầu sứa/đêm.

Ngư dân vùng biển Lộc Hà phấn khởi khi được mùa sứa biển.
Ngư dân vùng biển Lộc Hà phấn khởi khi được mùa sứa biển.

Việc đầu tư đánh bắt sứa đơn giản, ít tốn kém mà hiệu quả lại cao. Chỉ mất một lần đầu tư, gồm máy thuyền loại nhỏ, máy phát điện, vợt đủ rộng để bao quanh sứa… tổng cộng chỉ khoảng 50 - 60 triệu đồng cho 1 chiếc thuyền ra khơi là có thể hành nghề. Sau một đêm, một thuyền đánh bắt sứa trừ kinh phí dầu, đèn còn thu lãi hàng chục triệu đồng, mỗi lao động bỏ túi 1,5-2 triệu đồng.

Ngoài đánh bắt, nghề thu mua, chế biến sứa biển đang dần trở thành nghề "hái ra tiền" của rất nhiều người dân ở vùng này. Anh Nguyễn Chính Hồng (42 tuổi), chủ cơ sở thu mua, chế biến sứa biển Hồng Hoa ở xóm Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà cho biết, mỗi ngày anh thu mua khoảng trên 20 tấn sứa. Cở sở của anh có khoảng 15 nhân công làm việc, mức lương 5 triệu đồng/tháng/người. Nếu trừ hết các khoản chi phí, thuê nhân công, mỗi mùa sứa kéo dài 3-4 tháng, gia đình thu về bình quân hơn 150 triệu đồng.

Hiện nay, cùng với việc khuyến khích ngư dân tranh thủ thời tiết để khai thác sứa biển, chính quyền các địa phương ven biển cũng phối hợp với ngành thuỷ sản Hà Tĩnh khuyến cáo ngư dân và các cơ sở chế biến giữ gìn vệ sinh môi trường trong thu hoạch, chế biến sứa, tránh gây ô nhiễm môi trường, nhất là đối với các bãi biển phục vụ khách du lịch. Ngoài ra sứa vùng biển Hà Tĩnh đã được đóng gói ghi nhãn, thương hiệu, xuất đi các nước lân cận như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan…

>>>  Clip: CÂU MỰC ĐÊM CÙNG NGƯ DÂN CÀ MAU

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại