Anh Nguyễn Ngọc Đức (thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kiun, Đăk Lăk) là người đang sở hữu cây bơ “độc nhất vô nhị”. Cây bơ này đến nay đã hơn 25 tuổi, nhưng mỗi năm vẫn cho anh Đức thu nhập lên đến gần 30 triệu đồng. Nó ra trái quanh năm, trái bơ lại thơm ngon một cách đặc biệt.
Nhiều năm qua, giống bơ nhà anh Đức đã được nhiều người biết đến, đặc biệt là các thương lái luôn “canh chừng” để được mua bơ với giá luôn cao hơn các giống bơ khác.
Thấy giống bơ quý, nhiều người đã lấy hạt nó để ươm giống nhưng kết quả cho ra một loại… bơ thường, chỉ cho quả một lần trong năm. Chính vì thế, sợ giống bơ bị tuyệt chủng, anh Đức đã mời kỹ sư về ghép.
Ban đầu, anh chỉ ghép thử nghiệm 10 cây. Sau khi có kết quả, khẳng định cây bơ ghép có chất lượng không khác gì cây mẹ, anh Đức đã liên kết với một kỹ sư để ghép cây giống cho bán cho bà con. Công việc này vừa được thực hiện cách đây chừng 2 năm (chưa đủ thời gian có thể lấy mầm từ cây con để chiết ghép tiếp).
Mỗi năm, từ cây bơ của anh Đức tối đa chỉ ghép ra được 2 vạn cây (do lượng mầm cây có hạn). Tuy nhiên, nhiều năm qua ở Đăk Lăk đã xuất hiện rất nhiều điểm bán giống bơ “tứ quý” với hàng chục vạn cây giống.
Theo anh Đức, điều đáng nói là tại những điểm bán này, người bán đã lấy ảnh cây bơ và mua bơ trái nhà anh để quảng cáo cho khách hàng. Do phát hiện nhiều dấu hiệu lợi dụng làm ăn bất chính, đánh lừa nông dân, hiện anh Đức đã quyết định tự ghép giống và bán ngay tại nhà.
Trao đổi với chúng tôi, anh Đức cho biết: “Nhiều người dân mua phải giống bơ 'tứ quý dỏm' đã tìm đến nhà tôi để tìm hiểu nguyên cớ. Khi tìm hiểu cặn kẽ thì quả thật có chuyện nhiều người đã lợi dụng 'tiếng' cây bơ của tôi để trục lợi. Một số vườn bơ 'tứ quý' của nông dân mà tôi được biết thậm chí còn không cho quả.
Hiện nay, tôi chỉ bán bơ giống ngay tại nhà chứ không liên kết với bất kỳ ai. Vì thế, tôi khuyên nông dân nên tìm hiểu cặn kẽ khi mua giống bơ 'tứ quý' này, tránh để tiền mất tật mang”.