Khẳng định thực hiện đồng thời 3 mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và ổn định tỷ giá là bất khả thi, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khiêm tốn cho rằng nếu làm được việc này chỉ xin nhận một nửa giải Nobel.
Câu nói đùa của Thống đốc Ngân hàng được xem là một cách hạ nhiệt khôn ngoan cho phiên chất vấn, nơi mà ông trở thành tâm điểm trước sự quan tâm của các đại biểu về việc điều hành tiền tệ và nợ xấu ngân hàng. Ngay trước đó, ông Bình vừa nhận được một loạt bình luận, cũng như câu hỏi gai góc từ Tiến sĩ Trần Du Lịch, người được Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng “đặc cách” mời phát biểu với tư cách là chuyên gia kinh tế, thay vì vai trò thành viên của đoàn đại biểu TP HCM.
Đại biểu Trần Du Lịch quyết liệt chất vấn Thống đốc.
Chăm chú lắng nghe phần chất vấn của Thống đốc từ phiên buổi sáng, đại biểu Trần Du Lịch tỏ ra khá thất vọng khi cho rằng người đứng đầu ngành ngân hàng đang trình bày các vấn đề được cử tri quan tâm theo logic của riêng mình, chứ không phải theo cuộc sống.
"Tôi là người rất lạc quan, luôn nghĩ rằng chúng ta làm sao lấy lại niềm tin thị trường. Nhưng qua trình bày của Thống đốc, niềm tin, lạc quan của tôi giảm đi", đại biểu nổi tiếng thẳng tính này nói.
Bình luận có phần chua chát của đại biểu Lịch xuất phát từ những nhận định, số liệu về tình hình nợ xấu ngân hàng được Thống đốc đưa ra xuyên suốt phiên chất vấn có vẻ hồng hào quá. “Thống đốc trả lời cho tôi cũng như các đại biểu khác thì dường như vấn đề không nghiêm trọng như vậy. Vậy, tại sao chúng ta lại đặt vấn đề nghiêm trọng, đặt cả vấn đề lập công ty mua bán nợ, Thống đốc bảo chúng ta không giải quyết được mà cần cả hệ thống chính trị. Thống đốc nói rõ vấn đề có nghiêm trọng không? Có ảnh hưởng đến hệ thống không? Nó ảnh hưởng đến vấn đề hấp thụ vốn nền kinh tế không nếu ta chậm?”, ông hỏi.
Ý hỏi của đại biểu đoàn TP HCM sau đó được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cắt nghĩa là do người hỏi chưa tin tưởng lắm vào các biện pháp nhằm tái cơ cấu nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước. Dẫu vậy, bình luận này không khiến Thống đốc Nguyễn Văn Bình lúng túng. Bằng thái độ tự tin, điềm tĩnh, người đứng đầu ngành ngân hàng nhắc lại cho đại biểu Trần Du Lịch rằng chính ông là người đầu tiên đặt vấn đề về nợ xấu, đánh giá tính nghiêm trọng của nợ xấu và hướng giải quyết cách đây một năm.
Thống đốc cũng tái khẳng định rằng ông coi nợ xấu là nghiêm trọng, không phải vì con số nợ, mà vì diễn biến nợ tăng rất nhanh trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, cũng giống như những gì đã thể hiện suốt từ phiên buổi sáng, ông Bình cho biết việc giải quyết nợ đang đi đúng hướng nhưng không chỉ phụ thuộc vào bản thân ngành ngân hàng.
Thái độ tương tự cũng được Thống đốc thể hiện khi nói về việc siết tín dụng, sau khi đại biểu Trần Du Lịch một lần nữa nêu vấn đề việc giảm nhanh tín dụng đang làm doanh nghiệp điêu đứng, nền kinh tế “co giật”.
Thống đốc: "Tôi là người đầu tiên đặt vấn đề về nợ xấu". Ảnh: Hoàng Hà
Dẫn lại lý thuyết “bộ ba bất khả thi” nổi tiếng trong kinh tế học (không thể đồng thời thực hiện chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và ổn định tỷ giá cùng lúc), Thống đốc Bình cho rằng mọi chính sách, đặc biệt là chính sách vĩ mô thì không thể nào đáp ứng được mọi yêu cầu.
"Người ta tìm ra bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai", ông nói.
Trở lại với nợ xấu, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất trong phiên chất vấn buổi chiều, Thống đốc tiếp tục tỏ ra bình tĩnh trước câu hỏi có phần nhạy cảm của đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận): “Phải chẳng Thống đốc e ngại nên cho biếtkhông thể hứa gìvề việc giải quyết nợ xấu?”.
Với lý luận không mới, người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định với tư cách Thống đốc, ông chỉ chủ động được những công việc của ngành mình. Trong khi việc xử lý nợ xấu là công việc của cả hệ thống. “Do vậy, với trách nhiệm chính trị, tôi đã nói không thể hứa gì về việc giải quyết nợ xấu”, ông nói.
Phiên chất vấn chiều 13/11 cũng là dịp hiếm hoi Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề cập kỹ về lợi ích nhóm trong ngân hàng, cũng như tác động của nó tới nợ xấu. Cụ thể, kết quả thanh tra toàn diện 27 tổ chức tín dụng cho thấy ở nhiều nơi, nhóm cổ đông chi phối tại ngân hàng đều có công ty “sân sau”. “Dư nợ của bản thân ngân hàng tại các công ty này rất cao, có nơi lên tới 90%”. Cũng theo Thống đốc, phần lớn các dư nợ nêu trên “nằm chết” trong bất động sản, vốn đang gặp nhiều khó khăn. Đây chính là nguyên nhân thua lỗ, nợ xấu của các ngân hàng.
Cũng trong phiên chất vấn này, trước một số câu hỏi của các đại biểu liên quan đến việc quản lý thị trường vàng, Thống đốc Bình tiếp tục tỏ rõ thái độ cứng rắn. Theo đó mặc dù phải chịu sức ép từ nhiều phía, trong đó có cả “những người nhân danh nhân dân”, nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên quyết không cho nhập vàng cũng như để thị trường trong nước liên thông với thế giới. “Nhiều chủ sàn vàng trước kia cho biết họ căm tôi lắm. Nhưng sau này gặp, họ bảo nếu cho tiếp tục, có lẽ bây giờ họ cũng giống… Bầu Kiên”, ông Bình chia sẻ.
Trong hơn nửa ngày làm việc, tổng cộng đã có 17 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và được Thống đốc trực tiếp trả lời. Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, câu hỏi rất phong phú, sâu sắc, còn câu trả lời chi tiết, đầy đủ và thể hiện không khí tranh luận sôi nổi. Kết thúc phiên chất vấn, vẫn còn 23 đại biểu với hàng chục câu hỏi chờ đến lượt. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Thống đốc trả lời cho đại biểu và báo cáo lại với Quốc hội.