Lần đi công tác Sài Gòn mới nhất của anh cũng không nằm ngoài sự khó chịu này. Đến sân bay lúc tối muộn, anh kêu chiếc taxi 7 chỗ của hãng V., một trong những hãng taxi thông dụng nhất tại TP.HCM. Và anh đã đoán chắc chắn những gì sẽ diễn ra ngay sau khi anh lên taxi nói nơi đến quá gần.
Quả nhiên, khi anh V nói địa điểm đến là khách sạn sát Maximart trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (cách sân bay chừng hơn 2 km), mặt gã tài xế biến sắc và buông câu chửi thề: “Đ.má, về Maximart mà cũng bày đặt kêu taxi.”
Lúc này, một giọng nói đầy giễu cợt từ tổng đài cất lên vào hùa với gã tài xế chê bai khách: “Về Maximart nha. Xa quá hà.” “Không biết hôm nay là ngày gì mà xui tận mạng vậy ta.” – giọng gã tài xế đầy hậm hực cất lên khi chiếc xe đi qua cổng soát vé ra khỏi sân bay.
Ra đến đường lớn mới là nỗi kinh hoàng thật sự. Với vẻ đầy hằn học, gã tài xế cho xe chạy tốc độ chóng mặt. Đang phóng nhanh, gã liên tục bẻ lái đột ngột khiến anh V ngồi hàng ghế sau mặt mày xây xẩm, buồn nôn.
Anh V đề nghị gã tài xế đi chậm lại, gã chỉ chờ có thế tuôn ra những câu bực tức, hằn học: “Con lạy ba. Đi lẹ còn quay lại đón khách. Chờ mấy tiếng đồng hồ mới tới lượt ba. Kiếm được vài ông khách như ông tui đi ăn cháo cầm hơi quá.”
Chiếc taxi phanh gấp trước cửa khách sạn. Đồng hồ chỉ 46.000 đồng. Anh V đưa cho gã tài xế 100.000 đồng. Gã lục ví (bóp) rồi đưa lại cho anh V. “Không có tiền lẻ thối lại,” gã tài xế không them quay đầu lại nói cộc lốc.
Hiểu ý, anh V hỏi lại: “Anh có bao nhiêu đưa trả lại tôi.” Chỉ chờ có thế, gã tài xế trả lại anh V 20.000 đồng. Anh với vội chiếc va ly mở cửa xe nhanh chóng nhảy ra ngoài. Chân anh V vừa chạm đất, chiếc taxi đã lao vút đi cùng với những lời càm ràm của gã tài xế.
“Bệnh kinh niên” của taxi
Những người nơi xa đến TP.HCM qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất khi được hỏi đều cho rằng mè nheo, hậm hực, vòi vĩnh tiền của khách đi đường gần là căn bệnh kinh niên của tài xế các hãng taxi hoạt động tại đây trong rất nhiều năm qua.
Sự khó chịu mà bất cứ hành khách nào đi đường gần từ sân bay đều phải chịu là phải nghe nhẹ là những lời nói mát, nặng thì bị càm ràm, chửi bới, chì chiết. Khi đi đường, chắc chắn khách phải chịu sự hậm hực của tài xế bằng những cú bẻ lái đột ngột khi xe đang lao bạt mạng trên đường.
Cuối cùng, kiểu gì những gã tài xế đang hậm hực kia cũng phải lấy bằng được của khách vài chục ngàn đồng, coi như tiền phí trả cho việc đi quãng đường quá ngắn.
Theo nhiều lái xe taxi, với trên 6.000 thẻ được cấp cho 11 hãng taxi, các lái xe phải chờ thời gian cả tiếng đồng hồ mới được đón khách, nguyên nhân quan trọng làm nảy sinh tâm lý “bài” khách đi đường gần.
Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng khác phải kể đến là tình trạng buông lỏng quản lý; thậm chí có hãng không kiểm soát, điều hành được hoạt động của lái xe, theo kết luận thanh tra của Bộ GTVT đầu năm nay.
Theo kết luận này, trong nhiều bản hợp đồng lao động không có chữ ký của lái xe hoặc không quy định rõ quyền, nghĩa vụ của chủ và lái xe.
Trong năm 2011, Trung tâm An ninh hàng không Tân Sơn Nhất đã phải xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm từ 11 hãng. Các hãng có nhiều vi phạm nhất là Mai Linh (820 trường hợp), VinaSun (634), Sài Gòn Air (110), Saigon Tour (102), theo nguồn báo Pháp luật TP.HCM.
Đã có ba hãng bị đình chỉ hoạt động có thời hạn tại điểm đón của ga Tân Sơn Nhất. Các lỗi vi phạm chính và lặp lại nhiều lần là từ chối khách đi đường gần, ép giá…