Gần một năm sau cuộc tranh luận "nảy lửa" giữa 2 ngành công thương và tài chính, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý để đưa ra một giải pháp toàn diện cho bải toán xăng dầu vẫn là điều mà dư luận phải chờ đợi.
Tại hội thảo diễn ra cách đây 12 tháng, dư luận từng
đánh giá cao quyết tâm của Bộ trưởng Tài chính khi yêu cầu doanh nghiệp
phải chia sẻ gánh nặng giá cả với Nhà nước và người dân, đồng thời cũng
tôn trọng quan điểm của đại diện Bộ Công Thương khi cho rằng “không để
gãy nguồn cung” là mục tiêu quan trọng.
Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các bộ Công Thương, Tài chính và nhóm các doanh nghiệp đầu mối khép lại cùng kỳ vọng về một cơ chế hợp tác - giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý nhằm lành mạnh hóa thị trường xăng dầu, vốn được xem là mạch máu của nền kinh tế.
Sau những cái bắt tay, cơ quan nào cũng gắng “làm tròn trách nhiệm". Bộ Tài chính điều hành giá, Bộ Công Thương quản lý ngành dọc đối với doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung trong khi Bộ Khoa học & Công nghệ chịu trách nhiệm giám sát về chất lượng xăng dầu... Thế nhưng khi thị trường diễn biến phức tạp, người tiêu dùng cần sự chia sẻ, doanh nghiệp cần một thông điệp để an tâm, thì giải pháp toàn diện vẫn là một ẩn số khó tìm.
Suốt một năm, những thất thường của thị trường năng lượng quốc tế cùng với cơ chế điều hành nói trên đã khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước “nhảy múa” hơn chục lần. Người tiêu dùng chưa kịp dễ thở với 5 lần giảm liên tiếp, thì hơn một tháng trở lại đây, lại chóng mặt với 4 đợt tăng giá liên tiếp. Giá bán lẻ xăng RON 92 hiện nay, 23.650 đồng một lít, đã gần quay về mức kỷ lục 23.800 đồng của ngày 20/4, gần như xóa mọi nỗ lực "bình ổn" trước đó.
Chịu nhiều áp lực nhất trong những lần tăng giá có lẽ là Bộ Tài chính. Tiếng là điều hành "liên Bộ", cứ mỗi lần điều chỉnh, dù là giai đoạn Nhà nước định trước đây hay trao phần nào quyền tự chủ cho doanh nghiệp hiện nay, thì người "gật đầu" cuối cũng vẫn là ngành tài chính. Áp lực từ dư luận, từ người tiêu dùng, từ doanh nghiệp và cả gánh nặng ngân sách đương nhiên sẽ đè nặng lên cơ quan này.
Cách tiếp cận bài toán xăng dầu của ngành tài chính,
dù sao đi nữa, vẫn chỉ nằm ở khía cạnh giá. Giá thế giới leo thang,
doanh nghiệp được xác định lỗ, tham khảo ý kiến các cơ quan khác, Bộ sẽ
đưa ra phương án xử lý giá theo nguyên tắc "cân đối lợi ích 3 bên: Nhà
nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng”.
Gần đây nhất, vai trò điều tiết của cơ quan quản lý được thể hiện ở việc cho phép nâng mức sử dụng quỹ bình ổn giá lên 300 đồng, 500 đồng, rồi yêu cầu doanh nghiệp không tính lợi nhuận định mức 300 đồng vào giá thành xăng... Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá - Nguyễn Tiến Thỏa, chính những điều chỉnh hướng tới người tiêu dùng này đã giúp giá xăng, lẽ ra phải tăng hơn 1.400 đồng, nay chỉ còn khoảng 650 đồng trong lần tăng ngày 28/8.
Người tiêu dùng vẫn mong sự chia sẻ lớn hơn thế, khi mà các khoản thuế, phí hiện đang làm giá thành xăng dầu trong nước bịđội lên gần 40%. Chuyện lỗ giả, lỗ thật của các doanh nghiệp cũng gây nhiều bức xúc và chưa rõ lỗ lãi ra sao, kể từ khi có quyền đòi tăng giá, nhiều cây xăng cứ đến hẹn 10 ngày lại "mất điện" hoặc "hết xăng".
Diễn biến giá xăng dầu từ đầu năm 2011. Số liệu:Petrolimex
Câu hỏi đầu tiên được lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như nhiều chuyên gia trong ngành giải thích rằng trong 3 loại thuế chính đánh vào xăng dầu hiện nay (VAT, tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu), 2 loại đầu không không thuộc thẩm quyền điều chỉnh trực tiếp của Bộ và cũng đang được thu theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó, thuế nhập khẩu hiện ở mức 12%, cũng mới được điều chỉnh sau hơn một năm duy trì ở 0%.
"Như vậy, Nhà nước cũng đã thể hiện sự chia sẻ với người tiêu dùng khi khó khăn. Nếu ở điều kiện thông thường, thuế nhập khẩu xăng dầu phải được thu ở barem 20%", một lãnh đạo Bộ cho biết.
Với câu hỏi thứ 2, Cục trưởng Cục Quản lý giá thừa nhận kiểm tra tình trạng găm hàng của doanh nghiệp là không dễ bởi phải có điều tra, so sánh dựa trên số liệu mua bán hàng ngày của từng cây xăng. Thêm vào đó, theo các chuyên gia, với cơ chế hiện hành thì trách nhiệm chính trong việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp lại không nằm ở Bộ Tài chính, mà phụ thuộc phần lớn ở Bộ Công Thương.
Về phần mình, đã hơn một lần các đại diện của ngành
Công Thương khẳng định trách nhiệm chính của Bộ trong lĩnh vực này là
“đảm bảo cho hơn 80 triệu người dân có đủ xăng dầu để dùng”.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Võ Văn Quyền, trong cuộc trả lời báo chí cuối tháng 8 cũng khẳng định “nguồn cung xăng dầu hiện không thiếu”. Được đảm bảo như vậy nhưng cứ đến ngày cận kề điều chỉnh giá, người tiêu dùng từ Bắc chí Nam lại phải chứng kiến hàng loạt cây xăng với dấu hiệu găm hàng. Đợt “tổng kiểm tra” gần đây nhất của cơ quan chức năng chỉ phát hiện được 2 trường hợp “thực sự vi phạm” trong số những cây xăng này.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức vận tải người và dịch vụ - hàng hóa đều tăng khoảng 10% trong 8 tháng đầu năm 2012 (theo Tổng cục Thống kê). Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu 8 tháng chỉ đạt 6,56 triệu tấn, tương đường gần 6,33 tỷ USD, giảm lần lượt 12,3% và 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được chỉ ra là do các doanh nghiệp dè dặt nhập khẩu trong bối cảnh giá thế giới biến động mạnh, còn mức bán lẻ trong nước chưa thể điều chỉnh theo.