Thế giới kết nối

Hoàng Xuân |

Status, mạng xã hội, chìa khóa thành công tột bậc

Khi thốt lên “Ui chao, thật tuyệt, tôi có 30 triệu người theo dõi trên Twitter. Cảm ơn mọi người”, Cristiano Ronaldo hẳn là vô cùng thành thật.

Bởi, với con số người theo dõi kỷ lục đó, chỉ tính trong năm 2014, cứ một dòng status Ronaldo hạ bút lại mang về cho anh thêm gần 144.000 đô la Mỹ, tức khoảng 3 tỉ đồng!

Tuy nhiên, con số này chưa dừng lại.

Vào ngày 12-1 tới đây, với khả năng được FIFA trao giải Quả bóng vàng thế giới năm 2014, chắc chắn con số hâm mộ Ronaldo trên mạng xã hội sẽ tăng lên, đồng nghĩa với giá trị tiền bạc của mỗi status cũng vọt lên theo.

Đại kình địch của Ronaldo là Lionel Messi, với chỉ 2 triệu người theo dõi, có giá thấp hơn hẳn: 62.500 đô la Mỹ một status.

Các chuyên trang về thương hiệu đánh giá Ronaldo là vận động viên nổi tiếng nhất trên thế giới với độ nhận diện toàn cầu lên tới 83%, và Messi 76%.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong 26 triệu bảng mà Ronaldo kiếm được vào năm ngoái (theo tạp chí Forbes), có đến một nửa là đến từ tài trợ và quảng cáo.

Doanh nghiệp không thể bỏ lỡ một gương mặt được nhận ra ở bất cứ nơi đâu như vậy.

Một tên tuổi Việt Nam mới được trang mạng The Richest của Mỹ xếp vào danh sách 10 triệu phú Internet từ hai bàn tay trắng, Nguyễn Hà Đông với trò chơi Flappy Bird, một phần lớn cũng nhờ mạng xã hội làm bệ phóng.

Tháng 5-2013, Flappy Bird được đưa lên mạng.

Sáu tháng sau, nó lọt vào nhóm 100 trò chơi hàng đầu nhưng đến tận cuối tháng 12-2013 mới lọt vào nhóm 10 game được tải về nhiều nhất.

Bằng cách nào mà trò chơi của một nhà lập trình đơn độc, không có công ty quảng bá lại bỗng dưng nổi tiếng như vậy?

Theo một thống kê của trang App Annie, thời điểm bắt đầu bùng nổ của Flappy Bird là vào khoảng cuối tháng 12-2013.

Tuy nhiên, theo tạp chí chuyên về game GenK, Flappy Bird chỉ thực sự bay bổng sau khi Felix Arvid Ulf Kjellberg, một thanh niên người Thụy Điển 26 tuổi chuyên đánh giá các game trên Youtube chia sẻ video về game này.

PewDiePie, nick của anh trên Youtube, cực kỳ nổi tiếng với hơn 25 triệu người theo dõi và gần 4 tỉ lượt xem. Sau khi được PewDiePie giới thiệu, phần lớn game đều tăng vọt lượng tải về.

Ồ, thế thì trước đó, ai đã khiến cho con chim ngố lọt vào mắt xanh của bà đỡ mát tay PewDiePie?

Vẫn theo GenK, đó là nhờ các thành viên của Reddit, một mạng đánh giá tin tức nổi tiếng.

Các thành viên Reddit đã giúp Flappy Bird lan tỏa khi xếp nó vào một trong những game iOS khó chơi nhất đồng thời kêu gọi thành viên tải game và khoe điểm.

Đó là một trong những bước đầu tiên giúp trò chơi phổ biến cho tới khi video của PewDiePie ra mắt.

Rất lý thú khi bản thân PewDiePie cũng là một triệu phú được tạo ra bởi mạng xã hội: anh kiếm được khoảng 8,5 triệu đô la Mỹ/năm chỉ nhờ vào các video “bình loạn” game trên Youtube.

Tốc độ lan truyền cực cao của mạng xã hội có sức phóng mạnh mẽ như tên lửa. Nó có thể biến một người vô danh thành nổi tiếng toàn cầu chỉ sau một status.

Ồ, đó chẳng phải bí kíp của ngành giải trí sao?

Trong năm vừa rồi, các show truyền hình lớn của Mỹ như Next top model, cuộc thi hoa hậu Mỹ... đều có thêm cột điểm mạng xã hội cho mỗi thí sinh, chiếm đến một nửa tổng điểm.

Các nhận xét, điểm số, lượng người theo dõi trên mạng xã hội đều là con bài nặng ký giúp thí sinh lên đỉnh vinh quang hoặc ngược lại-ngay lập tức thu xếp vali về nhà.

Kết nối và tự do thông tin

Với người bình thường, mạng xã hội cũng phát huy hiệu quả đặc biệt.

Vào đầu tháng 1-2014, Susann Stacy, một phụ nữ ở Kentucky, Mỹ, bị chồng đánh đập tàn nhẫn và nhốt trong nhà.

Vùng cô ở không có sóng di động, điện thoại bàn đã bị đập vỡ. May mắn là vẫn có wifi. Susann viết: “Wifi là cách duy nhất để tôi tìm sự giúp đỡ”.

Susann gắng gượng chụp ảnh gương mặt đầy máu của mình đưa lên Facebook. Sau đó, bạn bè của cô đã cùng cảnh sát đến cứu Susann khỏi cái chết và đưa người chồng vào tù.

Vào cuối tháng 5-2014, mạng Facebook ở Thái Lan lan truyền tấm ảnh chụp một bà cụ khỏa thân, bị xích nằm còng queo trên sàn.

3.000 người đã chia sẻ tấm ảnh này và vài ngày sau, từ địa chỉ đính kèm, một nhóm bạn trẻ đã tìm đến và đưa bà vào bệnh viện.

Mạng xã hội cũng tỏ ra là một thám tử tài ba và không mệt mỏi.

Hẳn nhiều người còn nhớ vụ các quân nhân giết voọc rồi chụp ảnh đưa lên Facebook hồi tháng 7-2012 tại Việt Nam, hay trước đó là vụ nick keomutchoiboi đụng xe làm chết một ông cụ rồi... hí hửng thuật lại trên mạng, đã bị “dân mạng” truy lùng như thế nào.

Trên khắp thế giới, hạ tầng Internet đi đến đâu thì mạng xã hội mở ra đến đó, và mọi thứ lập tức bùng nổ cứ như được cây đũa thần chạm đến.

Từ nội dung thông thường như chụp ảnh gia đình khoe với người thân, lập nhóm lập hội cùng sở thích cho đến quy mô toàn cầu như học hành, kinh doanh, quảng cáo hình ảnh và vận động tranh cử, thậm chí có thể gây chao đảo cả một chính thể...

Mỗi ngày trôi qua, thế giới lại đón những kỳ tích mà không gian vô tận của tự do thông tin mang đến.

Hoặc rất ý thức, hoặc ngược lại - không hề hay biết gì về khẩu hiệu lâu năm nói trên, nhưng người dùng Internet và mạng xã hội ở Việt Nam đã và đang thực hiện nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Internet đã bắc chiếc cầu vĩ đại, vượt qua sự hạn chế thông tin, mở toang cánh cửa vào phần còn lại của thế giới cho người đọc Việt Nam.

Chat, forum, blog, Facebook, Twitter... giúp mọi cá nhân tha hồ nói lên điều mình nghĩ và trông thấy, đồng thời tương tác với những người khác trong một khả năng dường như vô tận.

Đó là gì nếu không phải là những giá trị của tự do thông tin?

Trong thế giới kết nối và đang tiến đến siêu kết nối, vùng cấm bị thu hẹp khi muôn triệu người cùng mở miệng.

Người ta hiểu biết hơn, khó “bắt nạt” hơn, xích lại nhau hơn, đồng thời cũng trở nên cô độc hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, đó lại là chủ đề của câu chuyện khác...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại