Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Thế giới Di động cho thấy, năm 2015, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty này đột ngột chuyển sang âm 641 tỷ đồng, khiến nguồn vốn kinh doanh bị thiếu hụt.
Một trong các nguyên nhân có lẽ là do việc mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ quá nhanh.
Năm 2015, Thế giới Di động cho biết đã mở thêm 220 cửa hàng điện thoại trong chuỗi “Thế giới Di động” và 49 cửa hàng điện máy trong chuỗi “Điện máy xanh”, nâng số cửa hàng của nhà bán lẻ này lên 564 cửa hàng “Thế giới Di động” và 69 cửa hàng “Điện máy xanh”.
Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Thế giới Di động cũng ghi nhận tiền chi mua sắm thiết bị là 586 tỷ đồng.
Điều này khiến công ty phải tăng vay nợ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Cũng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, khoản “tiền thu từ đi vay” là 8.129 tỷ đồng, và “chi trả nợ gốc vay” là 6.695 tỷ đồng trong năm 2015, tương đương với việc vay thêm khoảng 1.400 tỷ đồng.
Nếu dư dả vốn, có lẽ dư nợ không cần tăng mạnh như vậy. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tức “của để dành” của các cổ đông của Thế giới Di động là 978 tỷ đồng tính tới cuối năm 2015.
Trong tình trạng không dư dả tiền mặt hiện nay, nếu tiếp tục hoạt động chắc có lẽ không có vấn đề gì vì tăng trưởng của Thế giới Di động vẫn đang khá tốt.
Nhưng nếu Thế giới Di động muốn mua FPT Shop thì lại khác.
Chuyện bắt đầu từ Đại hội cổ đông của Thế giới Di động hôm 26/2/2016, Tổng giám đốc Trần Kinh Doanh cho biết, năm 2016, Thế giới Di động cân nhắc phương án mua bán - sáp nhập ( M&A ) nhằm mở rộng quy mô.
Theo ông Doanh, thì nếu FPT Shop được bán, đó “cũng là cơ hội cho các nhà bán lẻ như Thế giới Di động”, và cho rằng phương án mua lại sẽ đắt hơn nhưng nhanh hơn việc tự mở cửa hàng.
Ông Doanh nói thích cả hai phương án sáp nhập lẫn tự mở rộng chuỗi, tuy nhiên sẽ cân nhắc để thực hiện phương án có lợi hơn.
Sau phát biểu của ông Doanh, dư luận lao vào phân tích lợi hại cho Thế giới Di động nếu thương vụ thành hiện thực, tương lai sẽ thế nào, lịch sử mối lương duyên giữa hai nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ lớn nhất Việt Nam ra sao…
Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài cũng lấp lửng với báo chí rằng: “Ai bán gì, thấy được thì mình mua thôi, FPT bán thì tôi cũng có thể mua. Mới chỉ là có thể, chưa nói lên điều được điều gì”.
Tự tin thế, nên ai cũng nghĩ, mua FPT Shop nằm trong tầm tay của Thế giới Di động, chỉ là, muốn hay không thôi.
Tuy nhiên, soi báo cáo tài chính của Thế giới Di động, câu hỏi đặt ra là, liệu họ có đủ nguồn lực để mua FPT Shop hay không?
Dù FPT đã thuê liên danh hai công ty chứng khoán Bản Việt và Nomura làm nhà tư vấn, nhưng tất cả mới chỉ đang ở giai đoạn đầu, chưa có định giá.
Song theo ước tính của một chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng thì trị giá thương vụ FPT Shop ít nhất vào khoảng 2.300 tỷ đồng đến 2.700 tỷ đồng (103 - 121 triệu USD).
Giả sử, định giá này là đúng, thì trong bối cảnh hiện nay, để có thể “chồng” đủ ngần ấy tiền thâu tóm FPT Shop, Thế giới Di động hoặc là phải vay tiền ngân hàng, hoặc phải phát hành cổ phiếu/ trái phiếu để huy động vốn với quy mô khá lớn.
Thực ra, đó cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Song nhìn vào báo cáo tài chính của Thế giới Di động hiện này, thì các phương án huy động vốn này đều có quy mô khá lớn so với quy mô nguồn vốn hiện tại của họ.
Điều đó làm gia tăng rủi ro tài chính và áp lực trả nợ của Thế giới Di động.
Mua FPT Shop, với gần 4.000 nhân viên cùng hệ thống 300 cửa hàng đang hoạt động, sẽ mang tới lợi ích to lớn cho Thế giới Di động, cả về giá trị thương hiệu và miếng bánh thị phần.
Tuy nhiên, gánh nặng đi kèm cũng không hề nhỏ, từ việc sắp xếp lại chuỗi cửa hàng, đội ngũ nhân sự đến các các khoản chi phí tài chính khổng lồ.
Trong khi đó, nếu chỉ để giải quyết vấn đề mặt bằng thì bản thân Thế giới Di động hoàn toàn có thể tự giải quyết như cả chục năm qua, có thể chỉ là mất nhiều thời gian hơn mà thôi.
Với những yếu tố đó, có vẻ như việc Thế giới Di động muốn mua FPT Shop nhiều khả năng chỉ là chiêu đánh bóng tên tuổi của mình mà thôi, và biết đâu đấy, cũng là để “làm đẹp lòng” cổ đông, bởi cổ phiếu của “ông lớn” này cũng đã tăng vài phiên sau đó.