Thâu tóm hàng loạt dự án khủng, FLC có “chơi ngông”?

An Dương |

Vào thời điểm thị trường bất động sản đang xuống đáy, FLC đã tận dụng cơ hội mua lại hàng loạt dự án. Nhờ vậy, FLC đã “lột xác” ngoạn mục trở thành “ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản.

Tận dụng thời cơ từ “đáy”

Vào gần cuối năm 2013, khi thị trường đang gặp nhiều khó khăn thì giới đầu tư bất động sản tại Hà Nội bị bất ngờ bởi thông tin Công ty CP Tập đoàn FLC mua lại dự án Alaska Garden City tại Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Alaska (Alaska Land), là chủ đầu tư dự án này chỉ với giá khoảng 300 tỷ đồng.

Ngay sau đó, dự án được đổi tên thành FLC Garden City. Được biết, dự án này có quy mô hơn 5 ha, bao gồm chung cư, đất biệt thự, nhà liền kề với quy mô đầu tư lên tới 3.500 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án đất vàng 36 Phạm Hùng

Vào thời điểm thị trường trầm lắng, động thái trên của FLC được nhiều người đánh giá là đã “chơi ngông”.

Tuy nhiên, đến thời điểm này thì, giới đầu tư trong lĩnh vực bất động sản mới gật gù thừa nhận, toan tính của FLC với dự án này quả là khôn ngoan.

Thông tin về việc thâu tóm dự án Alaska Garden City của FLC chưa kịp nguội thì giới đầu tư bất động sản tại Hà Nội lại giật mình “ngã ngửa” khi nghe tin khu “đất vàng” 36 Phạm Hùng lại tiếp tục về tay FLC.

Đây là dự án Ion Complex - 36 Phạm Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có diện tích 4.000 m2. 

Trước đó, khu đất vàng này được rất nhiều ông lớn bất động sản nhòm ngó, nhưng đến “phút chót”, vào giữa năm 2014, dự án được FLC mua lại với mức giá 198 tỷ đồng và được đổi tên thành FLC Complex Phạm Hùng.

Gọi đây là khu “đất vàng” bởi giới đầu tư địa ốc tại Hà Nội đánh giá, dự án này nằm ngay trên mặt đường Phạm Hùng, là một trong những vị trí đắc địa nhất khu vực phía Tây Hà Nội.

Trong tương lai gần, đây là khu vực trung tâm của Thủ đô, tập trung nhiều cơ quan chức năng của Nhà nước.

Cũng chính sức hút từ khu “đất vàng” này nên khi FLC công bố mở bán dự án vào cuối tháng 3 đầu tháng 4/2015, ngay lập tức dự án trở thành hàng hót trên thị trường bất động sản Hà Nội.

Không dừng lại ở đó, cuối năm 2014, FLC lại tiếp tục  thâu tóm thành công dự án The Lavender (Hà Đông) trị giá 300 tỷ đồng.

Dự án này có diện tích rộng 3.000 m2, có vị trí đắc địa bậc nhất Hà Đông và hiện đã được đổi tên thành FLC Star Tower. Trước khi rơi vào tay của FLC, dự án này đã bị đắp chiếu trong thời gian khá dài.

Không chỉ dang tay thâu tóm hàng loạt dự án nhà ở tại Hà Nội, FLC còn vươn dài hoạt động đầu tư vào lĩnh vực dành cho giới nhà giàu, đó là xây resort, sân golf, như dự án khu phức hợp sân golf - resort - khách sạn 5 sao vui chơi giải trí cao cấp Hồ Cầm Quỳ (Ba Vì, Hà Nội) với tổng giá trị 3.642 tỷ đồng, quy mô hơn 249ha;  dự án khu phức hợp gồm sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Samson Golf Links (Sầm Sơn, Thanh Hóa) với tổng vốn đầu tư lên đến 5.500 tỷ đồng...

Kế sách đầu tư khôn ngoan?

Việc thâu tóm hàng loạt dự án vào thời điểm thị trường bất động sản Hà Nội đang bắt đáy, nhiều dự án đang triển khai dang dở vì chủ đầu tư gặp khó về tài chính và đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” thì FLC “ra tay” mua vào với giá rất hời, sau đó chờ khi thị trường hồi phục thì “bung hàng” để bán.

Động thái này của FLC khiến giới đầu tư trong lĩnh vực bất động sản đánh giá đây là kế sách đầu tư khá khôn ngoan và nhanh nhạy.

Nguồn cung căn hộ cao cấp rất lớn nên nhiều dự án chủ đầu tư đã hoàn thành nhưng tỷ lệ trống vẫn khá nhiều

Chính vì vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm, quỹ dự án bất động sản của FLC đã tăng cao, tổng mức đầu tư của các dự án mà Công ty sở hữu lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ về chiến lược đầu tư của FLC, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC nói rằng, làm kinh doanh phải biết chớp thời cơ, khi cơ hội đến là phải nắm bắt ngay.

Cơ hội theo như ông Quyết nói, đó chính là tận dụng cơ hội mua các bất động sản thua lỗ phải bán giá thấp, rồi chờ thị trường có dấu hiệu phục hồi. Đây chính là thời điểm đầu tư khôn ngoan nhất.

Chính vì vậy, giữa lúc nhiều doanh nghiệp đang rối ren phải bán tháo dự án với mức giá “rẻ như bèo” thì FLC lập tức mua vào và coi đây là “cơ hội để mua lại dự án với chi phí thấp hơn nhiều so với việc phát triển từ đầu các dự án này.”, ông Quyết nói.

Đơn cử như dự án khu đô thị FLC Garden City Hà Nội. Trước khi về tay FLC, dự án cũng đã đủ điều kiện để mở bán song do hoạt động kém hiệu quả nên cuối năm  2013, chủ đầu tư đã nhượng lại dự án cho FLC chỉ với giá 200 tỷ đồng.

Chính vì thế, trong giai đoạn 2010 – 2013, doanh thu của FLC tăng tốc ngoạn mục.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC Trịnh Văn Quyết, nguồn vốn để FLC thực hiện các dự án đều là nguồn vốn tự có và của các cổ đông.

Năm 2014, FLC gần như không có vay nợ ngân hàng. Và hiện nay, FLC chưa có nhu cầu vốn vay ngân hàng.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực bất động sản, FLC vẫn là một cái tên mới nổi.

Ngoài nghi vấn về nguồn vốn “khủng” được FLC đổ vào các dự án trên, nhiều người còn nghi ngại về nguồn lực của “ông lớn” này bởi cùng một lúc phát triển đồng loạt dự án lớn với tổng quy mô vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, trong khi đó FLC lại chưa phải vay vốn ngân hàng.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là những thách thức của thị trường bất động sản.

Năm 2015 là năm nhiều chuyên gia dự báo thị trường bất động sản vẫn chưa có sự bứt phá mạnh mẽ bởi số liệu hàng tồn kho bất động sản còn lớn, nợ xấu vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Ngoài phân khúc nhà ở giá rẻ, các phân khúc cao cấp, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng, resort… sẽ vẫn gặp khó khăn do dư cung quá nhiều.

Với FLC, trong số những dự án mà doanh nghiệp này đang triển khai, phải có hơn dư nửa trong số đó là dự án cao cấp.

Bên cạnh đó, giữa các doanh nghiệp địa ốc vẫn có sự cạnh tranh mạnh mẽ… Đây sẽ là những yếu tố gây khó khăn cho các chủ đầu tư nói chung và FLC nói riêng khi quyết định phát triển dự án vào thời điểm này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại