Tham gia Muaban24 được gần 2 năm, với 5 văn phòng đang đứng tên, nhẩm tính số tiền mà anh Vinh đã nộp vào công ty khoảng 26 triệu đồng (hội viên phải nộp 5,2 triệu đồng để sở hữu một văn phòng ảo). Sau khi giới thiệu một vài người thân quen tham gia, số tiền này được chiết khấu xuống còn khoảng hơn 19 triệu đồng.
Chi nhánh Muaban24 tại Phú Thọ
Bỏ ra số tiền lớn như vậy để trở thành hội viên nhưng khi được hỏi về công việc kinh doanh tại các văn phòng ảo nêu trên, Vinh hầu như chỉ cười trừ. Anh cho biết mình không bán hàng mà chỉ cung cấp một số dịch vụ, chủ yếu là thực hiện album ảnh cưới. Tuy nhiên khách đến với các gian hàng của anh vẫn "chưa có gì đáng nói".
Công việc kinh doanh chưa có nhiều tiến triển, vốn liếng cũng chưa thu được bao nhiêu, nhưng theo anh Vinh, những sự việc gần đây cũng như cách nhìn của dư luận đối Muaban24 là "chưa thực sự công bằng". Anh này cho rằng đúng là có những trường hợp hội viên vì ham tiền hoa hồng nên đi kêu gọi bừa bãi người quen tham gia, dẫn đến nhiều thua thiệt sau này. "Nhưng cái gì tốt thì phải nói nó tốt. Bản thân tôi cũng mua được nhiều sản phẩm trên sàn, giá rẻ hơn so với ở ngoài", anh Vinh cho biết.
Một số sản phẩm "giá rẻ" của Muaban24 cũng được trưng bày tại chi nhánh này: Vài chai rượu, một vài đôi giày, ví da, dây lưng... mà theo quảng cáo là được làm từ da cá sấu. Theo lời của Phó chủ tịch Muaban24 - Lê Văn Cường trước khi ông này bị bắt, mỗi chiếc dây lưng nêu trên có giá trên một triệu đồng ở ngoài thị trường, trong khi chỉ được bán khoảng 600.000 đồng trên sàn MB24. "Giá rẻ như vậy vì chúng tôi có lượng người mua đông, sản xuất còn không kịp. Bán giá 600.000 nhưng mỗi chiếc, chúng tôi vẫn lãi được khoảng 200.000 đồng", ông này từng tự hào khoe.
Trông giữ chi nhánh hằng ngày bây giờ là một nữ nhân viên tên Trang. Mới gia nhập Muaban24 được khoảng 2 tháng nay, Trang cho biết cũng đang sở hữu một gian hàng trên sàn MB24, cũng phải nộp 5,2 triệu đồng nhưng không buôn bán gì, chỉ chủ yếu sử dụng để hưởng tiện ích, mua hàng giá rẻ. Cùng với hội viên Đào Xuân Vinh, Trang cho biết vẫn trước những biến cố của công ty, cô vẫn tin tưởng và mong muốn dư luận có cái nhìn tích cực hơn về việc kinh doanh của họ.
Đào Xuân Vinh
Có mặt và tỏ rõ sự lo lắng lúc này, có lẽ chỉ có duy nhất ông Trần Văn Mầm, người chủ tòa nhà 5 tầng mà Muaban24 thuê làm chi nhánh. Kể từ hôm 27/7, khi cơ quan công an bắt đầu đến làm việc, khám xét, ông Mầm đã phải bỏ công, bỏ việc để túc trực tại đây. Theo lời ông, hợp đồng thuê được lãnh đạo MB24 ký trong vòng 5 năm, thanh toán mỗi năm một lần và 31/8 tới là thời điểm kết thúc năm đầu tiên. "Nhưng giờ sự việc xảy ra thế này, không biết công ty sẽ tính toán ra sao", ông Mầm băn khoăn.
Tuy vậy, là người tiếp xúc thường xuyên với hoạt động của Muaban24 (do vẫn ăn nghỉ tại đây), người chủ nhà đã ngoài 60 tuổi này cũng nhận xét "đây là mô hình hay". Ông Mầm cho biết không phải là hội viên, "chỉ cho thuê nhà kiếm tiền" nhưng cũng tỏ ra khá hiểu biết về hoạt động của sàn. "Đúng là có nhiều hội viên hám lợi, chưa rõ buôn bán, chỉ mong kiếm lời nên cứ giới thiệu tùm lum. Còn tôi thấy chuyện bán hàng, rồi dạy học của họ không có vấn đề", chủ nhà này nhận xét.
Thực tế, những ý kiến bày tỏ bức xúc công khai với cách kinh doanh của Muaban24 rất ít so với tiếng nói ủng hộ. Những người phản đối chủ yếu đều trót nghe lời lôi kéo, bỏ tiền mua gian hàng rồi không kinh doanh được, cũng không thể hoặc không muốn lôi kéo thêm người khác tham gia, nay đòi tiền lại mà không được. Còn những tiếng nói đông đảo thành viên ủng hộ Muaban24 đều ở đẳng cấp VIP, đứng đầu các văn phòng, các chi nhánh hoặc những người chưa bị thiệt hại tài chính vì tham gia vào diễn đàn này.