Thanh Hóa: Doanh nghiệp ép giá khiến người trồng mía điêu đứng

Thọ Sơn |

(Soha.vn) - Chỉ chưa đầy 2 tháng, Công ty CP mía đường Lam Sơn (đóng trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), đã đưa ra hai mức giá thu mua mía đường nguyên liệu khác nhau. Điều đáng nói là cả hai lần này mức giá thu mua đều bị hạ thấp xuống một cách khó hiểu, khiến nông dân trồng mía điêu đứng vì thua lỗ.

Ép bán “giá bèo”

Xã Thọ Hải (huyện Thọ Xuân) được xem là vùng trồng mía nguyên liệu lớn nhất trên địa bàn huyện Thọ Xuân, chuyên cung cấp mía nguyên liệu cho nhà máy mía đường Lam Sơn. Năm 2012, xã Thọ Hải trồng trên 150 hecta mía, số diện tích này được nhà máy ký kết với 34 chủ hợp đồng ở địa phương. Người dân ở đây cũng nhờ cây mía mà cuộc sống ngày một khá hơn.

Trong các năm 2010 và 2011, Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn thu mua giá mía nguyên liệu tại xã Thọ Hải với mức giá sàn là: 1.050.000đ/tấn và giá 1,2 triệu đồng/tấn với trữ lượng đường 10 CCS.

Xã Thọ Hải là vùng trồng mía đường nguyên liệu lớn nhất của huyện Thọ Xuân.
Xã Thọ Hải là vùng trồng mía đường nguyên liệu lớn nhất của huyện Thọ Xuân.

Tuy nhiên, năm 2012 vừa qua, giá thu mua của Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn bỗng nhiên hạ xuống mức giá sàn là 900.000đ/1 tấn và 950.000 đồng/tấn đối với mía nguyên liệu có trữ lượng đường 10 CCS.

Không những thế, bắt đầu từ 01/01 2013, Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn ra thông báo số 701TB/ĐLS-NC, ngày 31/12/2012 với nội dung: chỉ chấp nhận mua với mức giá 950.000đ/1 tấn đối với mía nguyên liệu mức 10 CCS, số còn lại nhà máy sẽ… không thu mua nữa.

Với thông báo này, những diện tích mía nguyên liệu trước đây nông dân đã trồng nếu không đủ 10 CCS được mua với giá sàn 900.000đ/tấn thì từ 01/01/2013, sẽ phải bán theo tỷ giá số CCS9x50.000đ.

Mía càng để lâu chỉ số CCS sẽ giảm xuống. Thực tế cho thấy không phải ruộng mía nào cũng đạt chỉ số CCS là 10. Có những diện tích chỉ có 4,5 nhưng trung bình là 7,8, trong khi giá chi phí cho đầu tư trồng mía khá cao (40 triệu đồng/hecta).

Ông Lê Văn Độ (thôn Hải Khoát, xã Thọ Hải) cho biết: “Nhà tôi có 6,5 hecta mía nguyên liệu, nếu bán theo mức giá thu mua của Công ty mía đường Lam Sơn hiện nay thì sau khi thu hoạch, gia đình tôi sẽ thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Coi như cả vụ mía không thu được gì, hoàn toàn mất trắng”.

“Bao giờ cũng thế, cứ đến vụ thu hoạch mía nguyên liệu là doanh nghiệp lại tìm cách để ép giá chúng tôi. Nguồn thu nhập chính của chúng tôi trông chờ vào cây mía, nay mía không bán được hoặc phải bán với giá bèo như thế thì làm sao chúng tôi sống được, chưa nói gì đến lãi lời, trong khi nhiều nhà đang còn nợ vốn vay ngân hàng để đầu tư trồng mía còn chưa trả hết nợ”, ông Độ chia sẻ.

Người trồng mía điêu đứng vì lỗ nặng

Không riêng gì ông Độ, đó cũng là “cảnh ngộ chung” của nhiều người trồng mía ở xã Thọ Hải. Anh Lê Văn Sinh (thôn Hải Mậu, xã Thọ Hải) cho biết gia đình anh cũng lao đao khi nhà máy áp dụng giá thu mua mía mới từ ngày 01/01/2013.

Nông dân trồng mía đường điêu đứng vì bị lỗ do bị doanh nghiệp thu mua mía nguyên liệu ép giá.
Nông dân trồng mía đường điêu đứng vì bị lỗ do bị doanh nghiệp thu mua mía nguyên liệu ép giá.

“Gia đình tôi có hơn 6 hecta trồng mía nguyên liệu. Năm nay giá vật tư phân bón và mọi chi phí đầu vào đều tăng, nếu có thu hoạch hết và bán tất cả theo giá trước kia thì vẫn còn bị lỗ. Còn nếu Công ty mía đường Lam Sơn áp dụng giá sàn thì chỉ hòa vốn, năm nay mía không đạt năng suất như năm trước do năm trước nhà máy thu mua quá muộn quá nên mía không phát triển được, chất lượng đường không cao”, anh Sinh giải thích.

Trước tình hình trên, ngày 09/01/2013, chính quyền và nông dân trồng mía xã Thọ Hải đã có buổi họp với đại diện lãnh đạo Công ty mía đường Lam Sơn để bàn hướng giải quyết số mía nguyên liệu đang tồn đọng trên địa bàn. Tuy nhiên tại cuộc họp, đề nghị giữ mức giá thu mua như trước đây của người trồng mía đã không được phía Công ty mía đường Lam Sơn chấp nhận.

Mía nguyên liệu đã chặt đắp thành từng đống lớn ngoài ruộng. Càng để lâu thì sản lượng và chất lượng đường trong mía càng bị giảm xuống, người dân càng bị thiệt.
Mía nguyên liệu đã chặt đắp thành từng đống lớn ngoài ruộng. Càng để lâu thì sản lượng và chất lượng đường trong mía càng bị giảm xuống, người dân càng bị thiệt.

Ông Lê Minh Đức, Phó ban trực chỉ đạo mía đường xã Thọ Hải cho biết: “Với mức giá thu mua của Công ty mía đường Lam Sơn đưa ra hiện nay, người dân chắc chắn sẽ bị lỗ nặng. Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, nếu Công ty không áp dụng thu mua mức giá sàn thì người dân sẽ bị lỗ đến hơn 70% so với giá ban đầu”.

“Trong mấy ngày nay, một số người dân đã chặn không cho xe vào bốc mía chở về Công ty. Nếu tình hình này kéo dài, rất có thể người dân sẽ mang mía đổ lên tỉnh lộ 506. Lúc đó tình hình sẽ phức tạp thêm”, ông Đức bày tỏ lo ngại.

Một người dân cho xã Thọ Hải cho biết: “Công ty mía đường Lam Sơn gửi thông báo đến UBND xã, nhưng xã lại thông báo đến dân chậm nên nhiều hộ dân không biết việc Công ty áp giá thu mua mới, vẫn tiến hành chặt mía. Đến khi biết thì người dân nhất định không chịu bán cho nhà máy với giá hiện nay. Mía thì đã chặt và đắp thành đống ngoài ruộng, càng để lâu thì sản lượng và chất lượng đường càng giảm, người dân càng bị thiệt”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại