"Thần dược" bán tràn lan như rau ngoài chợ

Kiều Linh |

Được quảng cáo như một loại “thần dược”, thực phẩm chức năng tràn lan trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn đang lôi cuốn người tiêu dùng, bất chấp hiểm nguy.

Thực phẩm chức năng như rau ngoài chợ

Gần đây, báo chí liên tiếp phản ánh về thực phẩm chức năng (TPCN) hỗ trợ bệnh nhân ung thư Nasu America – Salipo có nhiều dấu hiệu bất thường như vỏ cũ, ruột mới, thông tin công ty không có...

Theo nhãn phụ tiếng Việt thì sản phẩm này sản xuất tại Hoa Kỳ (Made in USA) bởi TME Enterprises và được nhập khẩu - phân phối bởi Công ty TNHH S.H.A (Thụy Khuê – Hà Nội).

Ngay sau khi phát hiện có dấu hiệu gian lận thương mại, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm đã vào cuộc xác minh và kiểm tra hổ sơ nhập khẩu của Công ty TNHH S.H.A.

Chị N.T.A, người từng mua sản phẩm của công ty này lên tiếng: “Nếu biết rằng, nhiều gia đình bệnh nhân ung thư phải bớt từng bữa ăn để có tiền mua thuốc cho người bệnh, mới thấy sự giả mạo này vô cùng bất nhân.

Bên cạnh vấn đề tiền bạc, thì việc đưa ra thị trường những loại TPCN giả mạo thế này rất nguy hiểm, khi gia đình người bệnh vì tin tưởng nên cứ lao theo thứ sản phẩm không có tác dụng gì, khiến bệnh càng nặng thêm và nguy cơ đến tính mạng là điều khó tránh".

Cũng theo khảo sát của phóng viên, hiện nay các loại TPCN được rao bán tràn làn trên thị trường, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội.

Trong đó, TPCN được săn lùng nhiều nhất là sản phẩm có công dụng giảm cân, làm đẹp cho nữ, tăng cường sinh lý cho nam, bổ sung dưỡng chất cho người già, trẻ em...

Mặc dù được quảng cáo là có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bán hàng chính hãng nhưng khi đem đối chiếu giá thành thì hầu hết các loại thực phẩm này có giá thành khác nhau.

Thậm chí, cùng một dòng sản phẩm nhưng giá bán của các cửa hàng online chênh lệch từ vài trăm đến 1 triệu đồng.

Chẳng hạn như, giá một lọ TPCN giảm cân Rick Slim giá dao động trên thị trường từ 900.000 đồng đến 1,4 triệu đồng/hộp; 1 loại thuốc giảm cân khác có nơi bán 300.000 đồng, có cửa hàng rao bán với giá 800.000 đồng/hộp...

Lý giải về sự chênh lệch giá “kệch cỡm” này, hầu hết các chủ cửa hàng đều khẳng định, “hàng xịn nên bán đúng giá, các hàng giá rẻ chỉ là fake, công dụng không tối đa”.

Chủ một cửa hàng online chuyên cung cấp hàng xách tay TPCN giảm cân ở Tôn Đức Thắng, Ba Đình khẳng định: "Hàng nhà tôi hàng chính hãng, bán gần chục năm nay rồi, hầu như toàn khách quen nên không lo chất lượng sản phẩm đâu.

Giá nhập vào đã gần bằng giá bán ra, mỗi một hộp thuốc chẳng lãi bao nhiêu nhưng đồng cảnh với chị em phụ nữ nên tôi nhập về chia sẻ là chính, chứ lợi nhuận không nhiều.

Khách hàng nào dùng xong cũng giảm ít nhất chục cân, người từ béo chuyển sang đẹp như người mẫu...".

Quảng cáo “trên trời”, chất lượng “dưới địa ngục”

Trong khi đó, không ít người tiêu dùng lâm vào tình cảnh “tiền mất tật mang” sau khi sử dụng các loại “thần dược” được quảng cáo “xách tay” từ nước ngoài về.

“Trước đây cơ thể mình béo, bạn bè đồng nghiệp giới thiệu mua lọ thực phẩm có chức năng giảm cân, dùng trong 3 tuần tan 5kg mình hào hứng lắm.

Nhưng không hiểu sao dùng được 1 tuần thì người ngợm nổi mẩn ngứa, uống 1 tuần chưa thấy giảm cân nào thì người tụt huyết áp, da dẻ từ hồng hào bỗng trở nên thô dáp, sần sùi.

Chẳng chờ được đến tuần thứ 3, mình ngừng ngay không dám sử dụng”, chị Nguyễn Thanh Mai (ngõ 32, đường Đỗ Đức Dục, quận Từ Liêm, HN) tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty CP Dược phẩm Traphaco cho biết, hiện nay trên thị trường có quá nhiều loại TPCN, trong khi cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát nổi dẫn đến tình trạng mập mờ về sản phẩm.

Bà Vũ Thị Thuận

Bà Vũ Thị Thuận

Bà Thuận phân tích: “ TPCN không phải là thuốc, không được quản lý chặt chẽ như thuốc, trước khi lưu hành trên thị trường chỉ cần công bố chất lượng dẫn đến nhà đầu cơ đổ xô từ thuốc sang kinh doanh mặt hàng này.

Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, người dân có xu hướng chuyển từ dùng thuốc sang TPCN rất nhiều.

Trong khi đó, lực lượng của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm rất mỏng, không thể kiểm tra chất lượng từng sản phẩm trên thị trường dẫn đến những những người làm ăn bất chính, chộp giật lợi dụng để làm lợi cho cá nhân.

Họ kinh doanh không đúng với giá trị mang lại, mua 1 bán ra 10, thổi phồng chất lượng, không đúng như công bố dẫn đến nhiều người bị lừa, dùng hàng không bảo đảm chất lượng như quảng cáo".

Liên quan đến chất lượng của dòng sản phẩm chữa ung thư Nasu America – Salipo bị nghi hàng kém chất lượng, bà Thuận cho hay:

"Trong xu thế chung của thế giới, người thiếu vitamin dùng TPCN là tốt nhưng vấn đề ở đây là lợi dụng nó làm giàu bất chấp sức khỏe của người khác là không đúng.

Kinh doanh nghề này đòi hỏi phải có đạo đức nghề nghiệp từ nhà sản xuất đến người phân phối, yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm cao về chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất không đảm bảo, nhãn một đằng, thực phẩm một nẻo, chỉ đến khi cơ quan chức năng phát hiện thì mới biết.

Nếu đúng như báo chí phản ánh, kết quả kiểm tra của Cục an toàn Vệ sinh thực phẩm mà không đảm bảo chất lượng thì thật dã man, làm giàu trên số phận của bệnh nhân, trên sự khốn cùng của gia đình họ là không thể chấp nhận được”.

Bà Thuận cũng đưa ra lời khuyên rằng: “Trong thị trường loạn TPCN như hiện nay, người tiêu dùng nên lựa chọn thương hiệu có bề dày trong quá trình sản xuất và tồn tại.

Đồng thời, không nên nghe đồn thổi, mách bảo mà phải xem xét đơn vị sản xuất có uy tín hay không, phải tìm hiểu trên mạng để lựa chọn, quyết định thông minh nhất cho sức khỏe của mình".

Cũng theo bà Thuận: "Cơ quan quản lý nhà nước nên cử thêm nhân lực, tăng cường kiểm tra, rà soát các loại thực phẩm đang có mặt trên thị trường.

Hiện nay lực lượng này quá mỏng, đội ngũ nhân viên ít nhưng kiểm tra từ cái bánh mỳ, hộp sữa đến thịt lợn, rau, củ quả, thuốc...”.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm
Nguyễn Thanh Phong
Việc quảng cáo quá mức như vậy đã khiến nhiều người bệnh đáng lẽ phải vào bệnh viện để chữa bệnh nhưng vì tin vào quảng cáo TPCN có tác dụng chữa bệnh nên đã mua TPCN về để sử dụng, dẫn đến không những không khỏi bệnh mà bệnh còn nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị. Trong năm 2015, Cục ATTP sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và tập trung xử lý vi phạm đối với sản phẩm TPCN.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại