Khát vọng lớn
Ngày 10/4, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) Dương Ngọc Minh đã đăng ký mua thêm 300.000 cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ lên suýt soát 44 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 36,6% cổ phần.
Soi quyết định mua vào của ông Mình, nhiều nhà đầu tư vẫn khá e ngại không dám theo, bởi số lượng đăng ký không nhiều, trong khi giá cổ phiếu HVG ở mức khá cao so với giá trị sổ sách (25.000 đồng so với 17.800 đồng/cổ phiếu). Không những thế, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này đang suy giảm khá mạnh và HVG cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng của những khó khăn trên thị trường trong nước và thế giới nói chung.
Mặc dù vậy, với một số nhà đầu tư, HVG cũng đáng để xem xét khi mà "thuyền trưởng" Dương Ngọc Minh được đánh giá là người có khát vọng lớn đã vượt qua nhiều sóng gió cuộc đời cũng như khó khăn trong con đường kinh doanh.
Bên cạnh việc trông chờ vào con cá, ông Dương Ngọc Minh (còn được gọi là "Vua cá") đang hướng tới con tôm như một thế mạnh mới của mình để phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh. Một trong những mục tiêu của ông Minh là Hùng Vương trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên trong ngành thủy sản Việt Nam và cũng như trong khu vực Đông Nam Á có doanh số tính bằng tỷ USD trong một hai năm tới.
Những động thái mua bán sáp nhập (M&A) của Hùng Vương trong vài năm gần đây đang cho thấy xu hướng này. Khá nhiều tên tuổi trong ngành chế chế biến tôm xuất khẩu như Bến Tre, Tắc Vân, Sao Ta đều đã và sẽ tiếp tục là mục tiêu của HVG. Không những thế, cuối tháng 3 vừa qua, HVG cũng đã công khai chào mua 6 triệu cổ phiếu Agifish (AGF) và 2,5 triệu cổ phiếu thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) để nâng số lượng và tỷ lệ nắm giữ tại 2 doanh nghiệp này lên 19,1 (75%) và 25,8 triệu (61,2%), với số tiền dự kiến chi ra lên tới hơn 180 tỷ đồng.
Hiện tại, ông Dương Ngọc Minh thuộc top 15 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, với khối tài sản cổ phiếu quy ra tiền trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, và là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Hùng Vương, Chủ tịch của Việt Thắng và Phó chủ tịch Agifish.
Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô?
Khởi nghiệp trở lại khá muộn màng từ một nhà máy khá nhỏ bé với công suất vài chục tấn cá nguyên liệu, HVG đã chứng kiến doanh thu tăng cả nghìn lần, đạt gần 11.400 tỷ đồng trong năm 2013.
Với những gì đã đạt được, mục tiêu tỷ USD doanh thu cho một doanh nghiệp, thay vì một ngành hàng như trước đây, có lẽ không còn xa vời. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản phải đối mặt. Đó là cuộc chiến bán phá giá tại nhiều thị trường trong đó có Mỹ.
Mức thuế tới hơn 2 USD/kg mà HVG bị áp quý III năm ngoái cho thấy được phần nào sự khó khăn và bất lợi mà HVG cũng như nhiều doanh nghiệp thủy sản khác phải gánh chịu.Trong nhiều năm qua, ngành cá tra của Việt Nam luôn phải đối mặt với sự can thiệp của Bộ Thương mại Hòa Kỳ về vấn đề cá vào thị trường này có giá quá thấp, bị cáo buộc bán phá giá và do đó bị áp thuế rất cao.
Báo cáo tài chính 2013 hợp nhất của HVG cho thấy, doanh thu cả năm tăng 44% lên trên 11.000 tỷ đồng. Đây là một tin mừng bởi nó cho thấy doanh nghiệp đang mở rộng được thị trường, nâng cao được thị phần. Với các doanh nghiệp, doanh thu nhiều khi là điều quan trọng nhất.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ giá vốn/doanh thu của HVG cũng đang rất mạnh, có quý tăng trên 90% khiến lợi nhuận gộp sụt giảm. Đây là điều khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng bởi trong 3 năm qua, lợi nhuận của HVG giảm khá mạnh, từ mức 418 tỷ đồng 2011 xuống 260 tỷ đồng 2012 và 248 tỷ đồng 2013.
Câu hỏi được nhiều chuyên gia và nhà đầu tư nói đến là tại sao thủy sản là thế mạnh mà rất nhiều doanh nghiệp trong nước lại lao đao, phá sản hàng loạt? Câu trả lời có lẽ không quá khó bởi ai cũng có thể thấy số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này quá nhiều, giá bán nhiều loại thủy sản như cá tra, cá basa ra các thị trường nước ngoài quá rẻ.
Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam mới mở cửa được vài chục năm và vẫn còn là một nền kinh tế đang phát triển. Do vậy, ở ngành nào cũng vậy, sự phát triển rầm rộ về số lượng là cần thiết trong giai đoạn ban đầu. Các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh để rồi còn lại một số trụ cột trong ngành. Khi đó, việc đoàn kết và thống nhất trong việc xuất khẩu sản phẩm thủy sản ra quốc tế có lẽ sẽ cao hơn.
Khát vọng tăng trưởng nhanh doanh thu của HVG có lẽ nằm trong chiến lược chiếm lĩnh thị trường của đại gia Dương Ngọc Minh. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, cuộc cạnh tranh giữa các công ty thủy sản trong nước trong hai năm qua quá khốc liệt. Cuộc chiến này không chỉ khiến nhiều doanh nghiệp biến mất trên thị trường mà còn làm cho rất nhiều người nông dân nuôi cá tôm rơi vào thảm cảnh phá sản, nợ nần do doanh nghiệp thu mua ở mức giá quá thấp và không ổn định.
Xu hướng M&A mà HVG và một số doanh nghiệp khác đang làm được đánh giá là một hướng đi mới có thể mang lại cái lợi cho nhiều bên. Với hướng đi này, lĩnh vực thủy sản có thể sẽ đóng góp thêm nhiều tỷ phú cho nền kinh tế.
Xem clip về ông Minh