Bộ trưởng kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos cho biết vào
thời điểm hiện tại đất nước này không cần bất cứ gói cứu trợ tài chính nào. Bài
phát biểu của ông tại Luân Đôn đã bị gián đoạn bởi một nhóm người biểu tình phản
đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng, giảm thiểu ngân sách ở nền kinh tế lớn
thứ tư khu vực đồng tiền chung châu Âu này.
Hiện đang có tin đồn rằng Tây Ban Nha đang yêu cầu khẩn cấp gói cứu trợ tài chính trong tuần này, tuy nhiên, lời tuyên bố đanh thép của bộ trưởng đã đánh tan điều đó.
Chính phủ Tây Ban Nha đã lâm vào khó khăn về tài chính do cuộc
khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường bất động
sản quá nóng của nước này. Các biện pháp thắt chặt chi tiêu ngân sách công đã
được công bố ở Tây Ban Nha trong bối cảnh các cuộc biểu tình tiếp tục leo
thang, nhằm mục đích tiết kiệm khoảng 13 tỷ euro vào năm tới bằng cách cắt giảm
tiền lương ở khu vực công cộng, giáo dục, y tế và dịch vụ xã hội.
Ông Guindos phát biểu tại trường Kinh tế Luân đôn “Những gì chúng tôi đang làm và sẽ làm đều hướng tới một mục đích duy nhất là mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho Tây Ban Nha và cho khu vực Eurozone”.
Christine Lagarde, người đứng đầu quỹ tiền tệ quốc tế IMF nhận định “ Nếu Tây Ban Nha muốn, chúng
tôi có thể giúp đỡ bằng nhiều cách, ví dụ như chỉ đơn giản là kiểm toán và giám
sát đàm phán với các đối tác châu Âu. IMF có thể đóng vai trò quan trọng trong
tài chính mà không thông qua quá trình tài trợ”.
Bộ trưởng tài chính Đức, ông Wolfgang Schaeuble đánh giá cao những nỗ lực của Tây Ban Nha nhằm cải thiện tình hình kinh tế, cho rằng những đó là những tiến bộ rất đáng được khích lệ.
Các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ cần bơm khoảng 59,3 tỷ euro để có thể đứng trụ trong cuộc suy thoái nghiêm trọng này. Chính phủ hiện đang nỗ lực để tránh yêu cầu gói cứu trợ từ quỹ giải cứu khu vực đồng euro nhưng nhiều người cho rằng điều này là không thể tránh khỏi.