Là tàu chở dầu thô có trọng tải (104.000 tấn) lớn nhất được đóng mới tại Việt Nam, nhưng sau hơn 4 năm xuất xưởng và một năm hạ thủy, PVT Mercury hiện vẫn nằm bờ, chưa thể đưa vào sử dụng.
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) khởi công đóng mới tàu chở dầu thô trọng tải 104.000 tấn vào đầu năm 2007 và lên kế hoạch hạ thủy vào đầu 2009. Nhưng bão số 9 khiến sóng biển tràn vào ụ, nhấn chìm toàn bộ thiết bị của con tàu mang tên PVT Mercury hay còn gọi là "Dung Quất 01" tại nhà máy đóng tàu Dung Quất(Quảng Ngãi).
Sau cơn bão, toàn bộ thiết bị của con tàu được trục vớt đưa lên bờ, mời chuyên gia Hàn Quốc sang trợ giúp vệ sinh, rửa mặn, thay thế một số thiết bị hỏng hóc tốn kém chi phí lớn.
PVT Mercury mới chính thức được hạ thủy cuối năm ngoái, cũng là lúc Vinashin bắt đầu quá trình tái cơ cấu toàn diện. Tàu có chiều dài 245m, rộng 43m, chiều cao mạn 20m được thiết kế theo tiêu chuẩn của Ba Lan do Công ty Đăng kiểm quốc tế VR, ABS (Mỹ) giám sát quản lý chất lượng với tổng vốn ban đầu khoảng hơn 1.200 tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD).
Sáng 8/11, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất phải điều động các tàu lai dắt tàu "Dung Quất 01" neo đậu suốt nhiều tháng qua từ ngoài khơi vào gần bờ để bổ sung, tu sửa nhiều hạng mục theo yêu cầu của chủ đầu tư là Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans).
Theo đại diện PV Trans, sở dĩ đơn vị chưa nhận bàn giao là do thiết kế tàu đã quá lâu, không còn phù hợp với một số tiêu chuẩn mới của hàng hải, vì vậy cần bổ sung, chỉnh sửa nhiều hạng mục mới có thể đưa vào hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất xác nhận, con tàu này mới chạy thử khoảng 700 hải lý, sau đó đưa về neo đậu cách bờ 7 hải lý ngoài cảng Dung Quất.
Do phía chủ đầu tư PV Trans yêu cầu bổ sung các hạng mục van cách ly, hệ thống ống làm sạch hầm, đầu hút hệ thống cứu hỏa...theo tiêu chuẩn mới hàng hải qui định hiện nay trên vùng biển quốc tế. Cơn bão số 8 đầu tháng 11 vừa qua lại gây cháy bạc trục của chân vịt nên nằm im bất động.
"Lúc Vinashin bàn giao cho PetroVietnam tàu đang thi công dở dang trị giá khoảng 28 triệu USD. Chúng tôi tiếp nhận, hoàn thiện với chi phí khoảng 25 triệu USD, giờ tiếp tục đàm phán với chủ đầu tư cộng thêm 4 triệu USD cho phần thiết bị lắp đặt bổ sung nữa thì mới có thể đưa tàu đưa vào khai thác", ông Hội cho biết thêm.
Do neo tại chỗ chưa thể đưa vào hoạt động, vỏ thân tàu chở dầu thô 104.000 tấn đã hoen gỉ nhiều nơi.
Đến chiều nay, các tàu lai dắt đã đưa vào gần khu vực ụ tàu nhà máy Dung Quất chờ bổ sung, chỉnh sửa nhiều hạng mục không phù hợp theo quy chuẩn hàng hải quốc tế hiện nay.
Theo ông Hội, hợp đồng trách nhiệm phía công ty đã hoàn tất, nếu chủ đầu tư muốn bổ sung hạng mục thì phải chi thêm khoảng 4 triệu USD để đầu tư. "Nếu đàm phán thành công, khoảng 2 tháng chúng tôi sẽ nhập thiết bị từ Hàn Quốc về lắp đặt các hạng mục bổ sung hoàn thành, tàu có thể đưa vào khai thác. Nếu chủ đầu tư không chịu bỏ thêm chi phí thì con tàu vẫn tiếp tục nằm bờ", ông Hội nói.