Tìm điểm nghẽn gây ách tắc dòng tín dụng
Thực tế, tăng trưởng tín dụng năm nay là rất thấp so với nhiều năm trở lại đây, thấp hơn cả năm 2011 là năm tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng có sự tụt giảm đáng kể (năm 2010, tín dụng tăng trưởng hơn 27%, năm 2011 tăng 12%). Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 31/10/2012, tín dụng tăng 3,48% so cuối năm 2011).
Hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) đều có mức tăng trưởng tín dụng rất thấp, ngân hàng đạt được mức cao nhất cũng chỉ hoàn thành được một nửa hạn mức tín dụng đã được cấp từ đầu năm. Tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ gặp khó và nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay có thể chỉ đạt 5 - 6%.
Về phía các tổ chức tín dụng (TCTD), sau một thời gian dài tăng trưởng tín dụng ở mức cao, đến nay để thực hiện tái cơ cấu, các TCTD phải vừa tích cực huy động vốn, vừa giảm tốc độ tăng tín dụng để cơ cấu lại tài sản có, tài sản nợ theo hướng lành mạnh, đảm bảo khả năng chi trả, các TCTD, nhất là NHTM cổ phần cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn khách hàng mới, hạn chế cho vay đối với một số ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn, khách hàng yếu kém, không có tiềm năng phát triển.
Tất nhiên, các TCTD có phần lỗi như quản trị ngân hàng yếu kém, do tình trạng sở hữu chéo, rủi ro đạo đức… Nhưng nguyên nhân chính khiến cho tín dụng không thể tăng trưởng được như mong muốn là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu do năng lực tài chính, hàng tồn kho lớn, trong khi đó nợ xấu của ngân hàng chưa được giải quyết rốt ráo. Đây được coi là 2 điểm nghẽn gây ách tắc dòng tín dụng hiện nay.
Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia kinh tế, đừng quá quan tâm tín dụng tăng bao nhiêu mà nên quan tâm đến chất lượng tín dụng.
Nếu xét trên nền tín dụng khá cao được dồn tích lại từ nhiều năm trước thì mức tăng này chưa hẳn là đã thấp.
Theo số liệu của NHNN, tính đến 30/4/2012, mặc dù tín dụng đối với nền kinh tế giảm 0,59% so với cuối năm 2011, song tổng tín dụng vẫn đạt 2.617.320 tỷ đồng. Có nghĩa, tổng dư nợ tại thời điểm cuối năm 2011 vào khoảng 2.632.854 tỷ đồng; và khoảng 2.721.318 tỷ đồng tại thời điểm 19/10/2012.
Như vậy tính đến 19/10, dư nợ đã tăng khoảng gần 89 nghìn tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu; 9 tháng đầu năm, GDP tính theo giá thực tế chỉ đạt 1.972.785 tỷ đồng, tăng 4,73% so với cùng kỳ.
Một yếu tố quan trọng nữa là, nếu như trước đây, một lượng không nhỏ vốn tín dụng chảy vào bất động sản, chứng khoán,… thì nay dòng vốn tín dụng đã tập trung vào sản xuất kinh doanh, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu.
Theo số liệu của NHNN, tính đến 30/9/2012, tín dụng xuất khẩu tăng 10,52%, nông nghiệp nông thôn tăng 5,3%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 14,9% so với thời điểm 31/3/2012. Dư nợ đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm từ mức 11,3% xuối năm 2011 xuống còn 4,83% tại thời điểm 30/9/2012.
Mức 5-6% dự kiến về tăng trưởng tín dụng năm 2012 không phải là thấp nếu so với tổng dư nợ hiện nay đã lên tới hơn 120% GDP trong khi khả năng hấp thụ của nền kinh tế rất yếu.
Một chuyên gia phân tích, nếu chỉ cần tăng tín dụng 2%/tháng, nghĩa là khoảng 56.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế, cộng với đầu tư công khoảng 22.000 tỷ đồng/tháng của Bộ Tài chính thì với lượng tiền lớn như vậy nền kinh tế không thể “tiêu hóa” được, vì nó còn lớn hơn cả doanh số bán hàng trong một tháng của cả nước. Bên cạnh đó, tiêu chí bơm vốn phải tính đến hiệu quả đồng vốn.
Và quan trọng là mức tăng trưởng tín dụng nói trên có phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không, dòng vốn có chảy đến đúng địa chỉ và phát huy hiệu quả không?