Tăng giá xăng "đánh úp người xem bóng đá": Bộ Tài chính lên tiếng

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) bác ý kiến cho rằng, việc tăng giá xăng tối ngày 17/7 vừa qua là "đánh úp" khi người dân mải xem bóng đá.

Tối 17/7 trong khi diễn ra cuộc đá giao hữu bóng đã giữa Đội tuyển Việt Nam và Arsenal, giá xăng bán lẻ trong nước bất ngờ tăng gần 500 đồng/lít, đẩy giá xăng tăng cao kỷ lục – 24.570 đồng/lít. Nhiều ý kiến của người tiêu dùng cho rằng, liên bộ Tài chính – Công thường đã không minh bạch khi lợi dụng tăng giá xăng vào đúng thời điểm người dân mải mê xem bóng đá.

Trả lời câu hỏi của PV về thực hư câu chuyện này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) bày tỏ quan điểm, không có chuyện liên bộ "đánh úp" trong lần tăng giá xăng dầu ngày 17/7 vừa rồi.

"Về việc điều chỉnh giá xăng dầu ngày 17/7 vừa qua có ý kiến cho rằng có phải điều chỉnh trong lúc người dân mải mê xem bóng đá trận giao hữu Việt Nam – Arsenal hay không, xin thưa rằng không có chuyện đó. Mặt hàng xăng dầu điều chỉnh tăng chỉ trên địa bàn Hà Nội mà trên cả nước, thời điểm điều chỉnh cũng được tính toán kỹ phù hợp với diễn biến giá cả thế giới, thực hiện rất nghiêm túc theo Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường" – ông Tuấn nói.

Tăng giá xăng
 

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý Giá, ngay từ khi giá xăng dầu có đợt tăng ngày 28/6, phía cơ quan quản lý đã theo dõi rất chặt diễn biến giá các loại nhiên liệu này trên thị trường thế giới. Đầu tháng 7 cơ quan quản lý nhận được báo cáo của doanh nghiệp về mức chênh lệch giá cơ sở và giá bán hiện hành, tuy nhiên do thời điểm đó diễn biến giá xăng dầu thế giới lên xuống phức tạp nên ngày 11/7 Bộ Tài chính vẫn yêu cầu các doanh nghiệp "kiềm chế chưa tăng giá xăng dầu".

Song, sau ngày 11/7 áp lực tăng giá xăng dầu thế giới vẫn không giảm mà tiếp tục tăng cao, có thời điểm mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành tới 720-988 đồng/lít.

Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, ngay sau thời điểm 11/7 trên, áp lực giá xăng, dầu đã tiếp tục mạnh lên.

Chênh lệch này rất cao, nếu để doanh nghiệp tự điều chỉnh giá bán lẻ theo như vậy sẽ tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh và chỉ số CPI. Vì thế, sau khi lựa chọn các phương án điều hành thì Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp phải cắt giảm 2/3 lợi nhuận định mức đối với mặt hàng xăng. Nghĩa là trong lợi nhuận định mức, các doanh nghiệp được hưởng 300 đồng/lít thì từ ngày 17/7, yêu cầu doanh nghiệp cắt giảm 200 đồng, chỉ còn hưởng lợi nhuận 100 đồng/lít.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn nâng mức trích Quỹ bình ổn giá cho mặt hàng dầu hỏa và diesel từ 200 đồng lên 300 đồng/lít. Sau khi bù đắp như vậy thì giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán lẻ từ 126 đồng – 400 đồng nên Bộ giao cho doanh nghiệp rà soát và điều chỉnh giá vào ngày 17/7.

Trước câu hỏi của PV về tần suất điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước có quá dày, quá nhiều khi trong vòng 33 ngày giá xăng đã tăng tới 3 lần, tổng cộng tăng 1.240 đồng/lít, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá khẳng định: "Việc điều hành giá xăng, dầu hiện vẫn được thực hiện nghiêm theo Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu. Giá cơ sở phải được tính bình quân 30 ngày và tần suất điều chỉnh tăng tối thiểu là 10 ngày".

Ước tính, đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu lần thứ 3 liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng với mức tăng 460 đồng/lít đối với mặt hàng xăng, 470 đồng/lít với mặt hàng dầu diesel và 420 đồng/lít với dầu madut, sẽ khiến CPI tháng tới tăng 0,1%.

Nhận thấy áp lực tăng giá các mặt hàng sẽ "ăn theo" giá xăng, Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả những mặt hàng có thể bị tác động trong thời gian tới để quản lý chặt chẽ và tham mưu cho Chính phủ giúp bám sát mục tiêu lạm phát năm nay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại