Trong khí đó, trên thị trường hiện có khoảng 300 nhãn hiệu sữa các loại, và người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là sữa tươi “xịn” khi mà thật giả lẫn lộn.
Theo số liệu thống kê, mức tiêu thụ sữa nước hiện nay rất cao (khoảng 400 triệu lít/năm). Tuy nhiên, trong Quyết định phê duyệt quy hoạch sữa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2025 của Chính phủ thì tính tới ngày 1-10-2011, cả nước có 142.702 con bò sữa, trong đó, bò cái vắt sữa là 102.667 con, sản lượng sữa 345.444 tấn. Hơn nữa, trung bình năm 2010, mỗi người dân Việt Nam dùng hết 15 lít sữa nước/năm, tới năm 2015, nhu cầu sữa của một người dân ước tính là 21 lít/người/năm, năm 2020 tương ứng là 27 lít/người/năm.
Trong khi đó, các quy định của Cục An toàn Thực phẩm chưa hề có một quy định cụ thể nào về sữa sạch… Thật khó phân biệt thế nào là sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa hoàn nguyên tiệt trùng và sữa pha lại tiệt trùng…
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng và các cơ quan chức năng cũng có nhận thức chưa đầy đủ về khái niệm sữa tươi. Theo tiêu chuẩn Châu Âu thì sữa tươi là sản phẩm sữa được vắt ra từ bò và không qua chế biến tiệt trùng ở nhiệt độ cao. Hiện nay, hầu hết các DN đều đang bán sữa tiệt trùng.
Như vậy đã có sự nhập nhằng từ phía những nhà sản xuất khi họ cố tình “lẫn lộn” giữa hai khái niệm “sữa hoàn nguyên tiệt trùng” và “sữa tươi tiệt trùng”. Trong nhiều năm qua, người tiêu dùng đã phải uống sữa tươi giả, còn các doanh nghiệp vẫn thu lợi nhuận từ sự gian lận này, bởi nhập sữa bột để sản xuất sữa tươi thì giá thành thấp, sẽ có lợi nhuận hơn sản xuất từ sữa tươi thật.
Trao đối với báo chí, PGS TS Nguyễn Đăng Vang - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, tình trạng “sữa không tươi” là do quá nhiều cơ quan quản lý và mặc dù đã có rất nhiều văn bản quy định, hướng dẫn, song lại rất chồng chéo, không phân định rõ trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành.
Ông Vang kiến nghị cần một cuộc kiểm tra tổng thể trên toàn quốc về việc chấp hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng sữa. Các cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra và phân loại các sản phẩm sữa đang lưu hành trên thị trường, xử lý nghiệm các vi phạm.