Nhiều loại bánh giá “khủng”
Chỉ còn 10 ngày nữa là tới Tết Trung thu, hiện thị trường bánh Trung thu đã sôi động với nhiều sản phẩm phong phú. Có thể nhận thấy, bánh Trung thu năm nay đa dạng về mẫu mã, phong phú về giá cả, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Dòng bánh nướng, bánh dẻo với nhân đậu xanh, nhân trứng nướng… tiếp tục được người tiêu dùng chọn mua bởi hương vị phù hợp với người Việt Nam, đặc biệt là giá cả cũng hợp lý, dao động từ 45.000 đồng trở lên. Tại các quầy hàng, nhiều dòng bánh cao cấp đắt tiền có dát vàng, nhân vi cá, kèm theo rượu, hộp chè có giá từ một tới hơn chục triệu đồng/hộp. Những loại bánh có giá “khủng” này chủ yếu được khách hàng mua làm quà biếu, quà tặng.
Những năm gần đây, vào mùa Trung Thu, rất nhiều các doanh nghiệp, cửa hàng, khách sạn liên tiếp tung ra các mẫu bánh hạng sang có giá bạc triệu, thậm chí hàng chục triệu. Những mẫu bánh này rất sang trọng, bên trong hộp gỗ lạ mắt là 4 - 8 chiếc bánh với nhân lạ. Kèm theo mỗi hộp là rượu ngoại, trà xịn hoặc đồ lưu niệm mạ vàng, trong đó, giá của sản phẩm bán kèm chiếm từ 30 - 75% giá trị hộp bánh.
Vẫn quyết tâm đứng đầu thị trường bánh Trung thu, năm nay, khách sạn Hà Nội cho ra mắt sản phẩm Vương Kim Tri Ngộ với giá lên tới 12 triệu đồng. Ngoài việc trang trí bằng hộp da cao cấp, giá của hộp bánh “khủng” như vậy là do có bán kèm một chai rượu 30 năm. Theo giá niêm yết của một cửa hàng rượu vang nổi tiếng trên phố Thái Hà, chai rượu này đã có giá từ 5 đến hơn 6 triệu đồng, bằng một nửa giá của hộp bánh siêu đắt đỏ.
Mùa Trung thu năm nay, nhà hàng Long Đình đã tung ra thị trường những mẫu bánh Trung thu cao cấp với sản phẩm mang tên Long Đình An Quý. Mẫu bánh này có giá khoảng 4 triệu đồng/hộp, cũng được bán kèm với trà hoặc rượu Tây. Giá mỗi chai rượu trong hộp sản phẩm dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng.
Các hộp gỗ được thiết kế sang trọng với khuy khóa mạ vàng. Bên trong hộp là 8 chiếc bánh với nhiều hương vị khác nhau như: trà xanh, sen trắng, hạt dẻ, mứt dừa, khoai môn, hạnh nhân… cùng rượu ngon, trà quý như lời chúc thịnh vượng, an khang. Sản phẩm này có 3 mức giá khác nhau. Long Đình An Quý Vang Đỏ có giá 2,08 triệu đồng, Long Đình An quý Gold Label Reserve có giá 3,68 triệu đồng, còn Long Đình An Quý Balentine 17 có giá 4,288 triệu đồng.
Mặc dù có giá chỉ bằng một nửa sản phẩm Vương Kim Tri Ngộ nhưng bánh Trung thu dát vàng của khách sạn Sofitel Plaza lại gây ấn tượng mạnh. Sofitel Plaza tung ra 2 sản phẩm bánh Trung thu lấy hai hình ảnh tượng trưng cho sự thành công, phú quý.
Giá mỗi hộp bánh rồng (gồm 4 hoặc 8 chiếc tùy chọn) có giá gần 6,5 triệu đồng, trong khi giá hộp cá chép là gần 3,5 triệu đồng. Không dùng rượu làm sản phẩm bán kèm, khách sạn Sofitel tại Hà Nội lại tung ra mẫu bánh kèm đồ lưu niệm mạ vàng là rồng mạ vàng 24K hoặc cá chép mạ vàng 24K.
Khách sạn Hilton Opera cũng sớm tung ra các sản phẩm bánh Trung thu hấp dẫn. Cũng như năm ngoái, khách sạn 5 sao này duy trì giá cao nhất 3,8 triệu đồng cho sản phẩm hộp VIP bạch kim với 4 bánh lớn, bộ ấm trà và rượu Hennessy.
Ở mức giá thấp hơn một chút, Hilton Opera cung cấp sản phẩm hộp VIP vàng với 4 bánh lớn, bộ ấm trà và rượu Johnnie Walker. Sản phẩm này có giá 2,8 triệu đồng. Hộp VIP với 4 bánh lớn, bộ ấm trà và rượu La Croix Bacalan Merlot có giá 2,2 triệu đồng.
Còn tại hãng Kinh Đô, dòng bánh nướng truyền thống có giá từ 38.000 - 390.000 đồng/cái; bánh dẻo từ 35.000 - 60.000 đồng/cái. Đặc biệt, mùa Trung thu 2013 này, Kinh Đô còn tung ra loại bánh xanh (bánh chay) với 4 hương vị nhân: thập cẩm, trà xanh hạt Hawaii, đậu xanh hạnh nhân và mè đen hạt dưa với giá mỗi chiếc từ 50.000 - 55.000 đồng.
Ở dòng bánh Trung thu thượng hạng, Kinh Đô vẫn duy trì các sản phẩm Trăng vàng như năm ngoái. Giá cao nhất là Trăng vàng Bạch Kim với giá 2,5 triệu đồng/hộp 12 bánh (loại 180g); 1,2 triệu đồng/hộp 6 bánh; sau đó là Trăng vàng Hoàng Kim có giá 800.000 đồng/hộp 4 bánh (200g); Trăng vàng Hồng Ngọc từ 550.000 - 720.000 đồng/hộp.
Thận trọng khi mua “siêu” bánh Trung thu
Theo ông Nguyễn Đắc Lộc - phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, thị trường bánh Trung thu đã sôi động ngay từ đầu tháng 7 âm lịch. Cùng với đó, Sở Công thương cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; chú trọng vào các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất thời vụ, các khách sạn, nhà hàng lớn có sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu...
Nhấn mạnh về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: Hà Nội đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; yêu cầu các quận, huyện cũng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn.
Trước phản ánh có những cửa hàng bày bán hộp bánh Trung thu với giá cả chục triệu đồng, nhưng trong đó tiền bánh chỉ khoảng 3 triệu đồng, còn lại là chai rượu được bán với giá 7 triệu đồng, ông Lộc nói: “Việc họ thêm rượu vào trong gói bánh không phải mùa này mà từ mùa trước đã có rồi, nhưng rất khó để xử lý.
Lúc đi kiểm tra, chủ cửa hàng nói họ chỉ bày ra cho đẹp, vì vậy khi mua, khách hàng cần lưu ý, rượu phải có tem nhập khẩu, hóa đơn đầu vào… thì mới mua”. Bên cạnh đó, ông Lộc cho biết, giá bán bánh Trung thu gốc tại nơi sản xuất (như ở huyện Hoài Đức) chỉ khoảng 58.000 đồng/chiếc; tuy nhiên, cũng loại bánh đó khi được bán trên thị trường đã được đẩy giá lên thấp nhất là 150.000 đồng/chiếc (tức tăng khoảng 300%).
Trong khi đó, đại diện một khách sạn 4 sao tại Hà Nội khá “ăn chơi” khi kinh doanh bánh Trung thu siêu đắt cho biết, bán kèm rượu vào bánh không phải là cách để tăng doanh thu, hay ép khách phải mua. “Rượu được lựa chọn phù hợp với nhân bánh, vị bánh.
Hầu hết các sản phẩm này đều được khách hàng đặt mua để biếu tặng, do đó, việc kèm theo đồ uống là những chai rượu Tây, rượu vang có chất lượng, hoặc trà ngon là nhu cầu mà khách sạn đã tính trước. Ngoài ra, bánh còn đắt do vỏ hộp chủ yếu làm bằng da, với thiết kế đẹp, sang trọng”.
Có thể nhận thấy, những loại bánh Trung thu đắt tiền này ngày càng được bán nhiều trên thị trường, trong đó, giá bánh chỉ bằng một nửa, thậm chí chỉ bằng 30% giá trị của hộp bánh. Những sản phẩm kèm theo cũng ngày càng đa dạng, đem lại vẻ đẹp sang trọng cho hộp bánh.
Giá trị của những hộp bánh hạng sang này thì rất đắt đỏ, đơn vị sản xuất “bố trí” những sản phẩm đi kèm nhằm đẩy giá lên cao. Đôi khi, khách hàng bỏ mấy triệu ra để mua hình thức hơn là mua chất lượng của bánh Trung thu.
Hiện nay, nhiều khách sạn lớn ở Hà Nội cũng tự sản xuất và tiêu thụ các loại bánh Trung thu. Đặc điểm của loại bánh này là có giá cao (hơn 1 triệu đồng/hộp) nhưng thời gian sử dụng lại rất ngắn (từ 3 - 7 ngày) do không sử dụng chất bảo quản. Vì vậy, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng khi xem xét hạn sử dụng đối với các loại bánh trên.