Ông Đoàn Nguyên Đức, bầu Đức (SN 1962) khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác. Từ năm 1990, doanh nghiệp của ông phát triển, ông trở thành chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Sở hữu khối tài sản khổng lồ và điều hành một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước, bầu Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL hiện nắm giữ tới hơn 50% số cổ phiếu của doanh nghiệp này. Vào thời đỉnh cao của thị trường chứng khoán Việt Nam, trên thị trường OTC tài sản của bầu Đức lên đến hơn 15.000 tỷ đồng.
HAGL là tập đoàn đa quốc gia với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá với tổng tài sản ước tính hơn 23.000 tỷ đồng tính đến hết quý II/2011.
Năm 2012, bầu Đức là người tích lũy được nhiều tài sản chứng khoán nhất với hơn 1.000 tỷ đồng giá trị cổ phiếu tăng thêm.
Bầu Đức là người Việt Nam duy nhất được Wall Street Journal, một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, bang New York (Mỹ) với lượng phát hành trung bình trên 2 triệu bản mỗi ngày trên toàn thế giới bầu chọn vào danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Bầu Đức bắt đầu đầu tư vào Lào từ năm 2007, ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. Tính đến thời điểm này, Lào là quốc gia nước ngoài đầu tiên thu hút nhiều vốn đầu tư nhất của HAGL với tổng giá trị các dự án lên tới hơn 900 triệu USD tập trung chủ yếu ở tỉnh Attapeu (nam Lào) và Huaphanh (đông Lào)..
Sau Lào, HAGL tiếp tục mở rộng sang thị trường Campuchia năm 2008. Tập đoàn này có khoảng 15.000 héc ta đất rừng ở miền đông Campuchia, chủ yếu dùng để phát triển cây cao su. Ngoài ra, còn có 2 mỏ sắt, nằm tại tỉnh Ratanakiri, cách nhau khoảng 20km và cách biên giới Việt Nam khoảng 40km. Tổng số vốn mà HAGL đầu tư vào Campuchia khoảng 100 triệu USD.
Thái Lan là thị trường thứ 3 mà bầu Đức ngấp nghé. Năm 2008, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cấp giấy phép cho Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh trực thuộc HAGL đầu tư ra nước ngoài theo hình thức liên doanh (Hoàng Anh Gia Lai Bangkok Co. Ltd) để xây dựng, mua bán căn hộ tại Thái Lan. Dự án khởi công từ tháng 9/2009, tổng vốn đầu tư là 20,4 triệu USD, trên diện tích đất hơn 5000 m2, dự án HAGL Bangkok có khoảng 140 căn hộ.
Đến năm 2012, HAGL chính thức xâm nhập thị trường Myanmar sau nhiều năm thăm dò khảo sát và chuẩn bị pháp lý. Tập đoàn này đầu tư 300 triệu USD xây dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre. Đây là khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp tại cố đô Yangon. Dự án thực hiện theo hình thức BOT thời gian 60 năm.
Cụ thể tại Attapeu, bầu Đức có 3 dự án trồng cao su và mía với 25.000 hecta cao su và 6.000 hecta mía, trong đó có 3.000 hecta cao su đã được đưa vào khai thác từ năm 2011. Tổng số tiền mà Tập đoàn HAGL chi ra cho dự án này lên đến 250 triệu USD.
Ngày 25/2, Tập đoàn HAGL đã khánh thành và đưa vào sử dụng Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh - Attapeu. Đây là dự án được khởi công từ tháng 11/2011 gồm: một nhà máy ép mía công suất 7.000 tấn mía cây/ngày, nhà máy nhiệt điện chạy từ bã mía công suất 30 MW, nhà máy cồn Ethanol công suất 30.000 tấn/năm chạy từ quá trình sản xuất đường và nhà máy sản xuất phân bón 50.000 tấn/năm, cũng sử dụng từ bã mía.
Tổng số vốn đầu tư cho dự án này lên đến 87,8 triệu USD. Hai hạng mục là nhà máy phân bón và ethanol sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm nay.
Trước đó, HAGL cũng đã đưa vào sử dụng nhà máy chế biến mủ cao su Hoàng Anh - Attapeu với diện tích 5 ha, công suất 25.000 tấn/năm, sản phẩm chính là cao su mủ khối SVR10. Tổng giá trị đầu tư xây dựng nhà máy là 9 triệu USD.
Ngoài ra bầu Đức còn có 5 dự án thủy điện tại Lào với tổng công suất 400 MW, tổng đầu tư 500 triệu USD. Về khoáng sản, bầu Đức sở hữu một mỏ đồng và mỏ sắt tại Sekong với giá trị đầu tư 70 triệu USD. Đó là chưa kể 2 dự án sân bay trị giá 70 triệu USD tại Attapeu và Huanphan cũng được đầu tư hơn 60 triệu USD.
Chiều ngày 14-3, HAGL đã tổ chức lễ động thổ xây dựng sân bay quốc tế Nọng Khang tại tỉnh Hủa Phăn. Đây là dự án xây dựng sân bay thứ hai mà Hoàng Anh Gia Lai được Chính phủ Lào cấp phép xây dựng, sau dự án sân bay quốc tế tại tỉnh Attapeu với vốn đầu tư 40 triệu USD.
Mới đây, bầu Đức lại gây xôn xao dư luận khi liều lĩnh phá vỡ thế tứ trụ của các nhà đầu tư Singapore, Thái Lan, Nhật và Hong Kong tại thị trường bất động sản du lịch, thương mại Myanmar bằng dự án phức hợp trị giá 300 triệu USD của ở cố đô Yangon của Myanmar.
Doanh nhân này còn tự tin tuyên bố, năm 2013 sẽ dốc toàn lực xây khu phức hợp 300 triệu USD tại Yangon vì nếu nhanh chân có thể hái tỷ USD khi địa ốc Myanmar nóng lên trong 5 năm tới.
Cuối tháng 4 vừa rồi, HAGL lại gây sốc khi tổ chức khởi công dự án Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai-Vientiane, đạt tiêu chuẩn 4 sao với tổng vốn đầu tư 16,5 triệu USD, và dự kiến hoàn thành trong vòng 15 tháng.
Khoản thù lao, lương, thưởng của bầu Đức trong năm 2012 đạt 3,5 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch 6//5, thị trường chứng khoán bất ngờ tăng mạnh trước thông tin ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm mạnh lãi suất huy động xuống 6%/năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng.
Cổ phiếu HAG của HAGL nằm trong nhóm các cổ phiếu có đà tăng đáng kể nhất. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/5, cổ phiếu của HAGL tăng 1.100 đồng/CP, tương ứng 5% và đóng cửa ở mức 23.200 đồng/CP. Như vậy, với việc sở hữu gần 260 triệu cổ phiếu, chỉ sau vài tiếng giao dịch, tổng giá trị cổ phiếu nắm giữ của bầu Đức đã tăng khoảng 286 tỷ đồng.