Trong cơ cấu cổ đông của PVFC hiện tại, PVN đang là cổ đông lớn nhất với tỷ trọng sở hữu chiếm tới 78% vốn, Morgan Stanley chiếm 10% và 12% còn lại thuộc về các cổ đông khác.
Tuy nhiên, nếu việc hợp nhất PVFC và Western Bank thành công, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ giảm được phần vốn góp tại PVFC xuống còn 52% ở tổ chức tín dụng hợp nhất. Qua đó, linh hoạt hóa hoạt động đầu tư của Morgan Stanley.
Mặt khác, trong hợp đồng dự thảo về hợp nhất, ngân hàng mới sẽ có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng với số cổ phiếu phát hành là 900 nghìn đơn vị, mệnh giá 10.000 đồng/cp. Theo đó, kể từ ngày hợp nhất, mọi cổ phần do PVFC và Western Bank đã phát hành và đang lưu hành ngay trước thời điểm hoán đổi và mọi cổ phiếu hay giấy chứng nhận sở hữu các cổ phần đó sẽ không còn lưu hành và tự động bị hủy và chấm dứt tồn tại.
Như vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu việc hợp nhất tiến hành thuận lợi, cổ phiếu PVF của PVFC đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) sẽ bị hủy. Đến 11h sáng 6/5, thị giá PVF đang ở mức 8.700 đồng, tăng 400 đồng mỗi cổ phiếu. Dư bán giá trần còn trên 200 nghìn đơn vị, cho thấy thông tin sáp nhập đã tác động tích cực lên cổ phiếu này.
Trước đó, ngày 16/3/2013, 100% cổ đông tham dự Đại hội cổ đông Ngân hàng cổ phần Phương Tây (Western Bank) tại Cần Thơ đã đồng ý về nguyên tắc chủ trương hợp nhất giữa Western Bank với PVFC.
Tiếp đó, Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) cho biết, đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2012 được tổ chức vào ngày 26/4 sẽ có hai bản tài liệu quan trọng về việc hợp nhất với Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) đã được công bố, gồm dự thảo hợp đồng hợp nhất và dự thảo điều lệ tổ chức và hoạt động của ngân hàng hợp nhất.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) cũng cho biết đã chủ trương sẽ giảm phần vốn của mình tại PVFC.