Theo thông tin từ Bộ Thương Mại và Công nghiệp Singapore, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm 1,5% so với 3 tháng trước đó. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân có dấu hiệu khả quan, mức sụt giảm co lại 0,2% so với con số 0,7% trước đó. Hầu hết các nước khu vực châu Á đều phải gánh chịu hậu quả từ khủng hoảng khu vực châu Âu khiến cho sản lượng xuất khẩu sụt giảm và tăng trưởng kinh tế chậm chạp.
Tình hình sản xuất có dấu hiệu chậm lại trong những
tháng gần đây là do nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia trọng điểm của Singapore
như Mỹ, châu Âu, Trung quốc trở nên yếu ớt. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng
chính phủ Singapore cần thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm
mục đích làm suy yếu đồng đô la Singapore.
Đồng đô la mạnh khiến cho hàng xuất
khẩu trở nên đắt đỏ đồng thời cắt giảm đáng kể lợi nhuận của nhà xuất khẩu. Tuy
nhiên, cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) cho biết quốc gia này sẽ duy trì chính
sách tiền tệ ở mức “cân bằng và khiêm tốn” như hiện nay.
Nhà kinh tế tại CIMB, ông Song Sen Wun bày tỏ quan điểm “ Tôi có thoáng ngạc nhiên trước động thái của MAS quyết định duy trì chính sách tiền tệ như bây giờ trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang xuống dốc và nhiều ngân hàng trung ương đã thực hiện giải pháp nới lỏng”.
MAS cho biết dự kiến mức tăng trưởng của Singapore trong năm tới có thể thấp hơn tiềm năng của nền kinh tế nhưng cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn với tất cả người dân. Một số ngành nghề hứa hẹn mức tăng trưởng khả quan hơn như trong lĩnh vực xây dựng, du lịch, tài chính.
Bộ Thương Mại và Công nghiệp Singapore nhận định quốc đảo sư tử sẽ vẫn còn nằm trên đường đua để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 1,5% đến 2,5% trong năm.