Bphone khó trở thành “Xiaomi của Việt Nam”
Ngày 26/5, siêu phẩm Bphone của hãng công nghệ Bkav chính thức ra mắt.
Có không ít chỉ trích của dư luận cho rằng hãng đang “nổ” quá to thì nhiều chuyên gia công nghệ, các "ông lớn" ngành bán lẻ lại lên tiếng ủng hộ Bphone - chiếc điện thoại được gắn mác "Made in Vietnam" này.
Tuy nhiên, trước thông tin Bphone chỉ được bán trực tuyến, một số nhà bán lẻ tỏ ra nghi ngờ khả năng thành công của sản phẩm.
“Bphone là smartphone có cấu hình mạnh và khá tốt so với các sản phẩm khác cùng phân khúc.
Song, với mức giá bán 11 triệu thì khả năng cạnh tranh của sản phẩm sẽ gặp khó khăn.
Bởi lẽ, cùng phân khúc giá như vậy, khách hàng có nhiều sự lựa chọn cho 1 smartphone thương hiệu quốc tế”, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Marketing của MediaMart bày tỏ.
Theo ông Hải, thực tế hiện nay, một số công ty sản xuất điện thoại di động lớn như Xiaomi, Asus tại thị trường Đài Loan, Trung Quốc đã triển khai kênh phân phối qua mạng và có kết quả khá thành công.
Với kênh phân phối qua mạng, nhà sản xuất sẽ tiết giảm tối đa chi phí lưu thông, không qua cấp đại lý trung gian (Master Dealer), sản phẩm tới tay trực tiếp người tiêu dùng với chi phí thấp nhất, giá thành hợp lý và cạnh tranh nhất.
Ông Hải nhận định: “Các sản phẩm Bphone mới ra mắt có mức giá khá cao (từ 11 - 22 triệu) thuộc phân khúc trung và cao cấp.
Việc sản phẩm không được trải nghiệm thực tế bước đầu sẽ là khó khăn cho việc tổ chức thành công kênh phân phối này".
Nhiều nhà bán lẻ cho rằng Bkav khó để tiêu thụ sản phẩm của mình
Cùng quan điểm đó, bà Vũ Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Marketing Pico chia sẻ: "Câu chuyện của Bkav dễ khiến người ta liên tưởng đến Xiaomi của Trung Quốc.
Tuy nhiên, kênh phân phối này cũng vẫn đang gặp phải một vài vấn đề khi một phần người dùng ở thị trường Việt Nam vẫn muốn trải nghiệm sản phẩm thực sự, đặc biệt những sản phẩm mới và có giá trị cao", bà Huệ nhấn mạnh.
Bphone sẽ thành công nếu giá dưới 4 triệu?
Dự đoán về khả năng thành công của Bphone, nhiều nhà bán lẻ trên thị trường cũng tỏ ra khá dè dặt.
Phần lớn cho rằng, nếu Bkav tung ra 1 sản phẩm thuộc phân khúc dưới 4 triệu và tổ chức bán hàng qua mạng thì cơ hội thành công của hãng tại thị trường nội địa sẽ cao hơn.
“Người tiêu dùng Việt rất thông thái trong chi tiêu, thậm chí hành vi tiêu dùng của mỗi vùng miền Nam - Bắc còn khác nhau rõ rệt.
Đa số khách hàng cho rằng, giá bán chính thức của Bphone tính cả VAT cho phiên bản thấp nhất là 11 triệu đồng chưa thực sự phù hợp.
Hơn nữa giá trị của sản phẩm không hoàn toàn liên quan tới phần cứng/phần mềm mà còn liên quan tới nhiều yếu tố khác, trong đó giá trị thương hiệu chiếm tỷ trọng không nhỏ.
Trong điều kiện tâm lý sính hàng ngoại của 1 bộ phận khách hàng Việt thì đây là bài toán khó dành cho ban lãnh đạo Bkav”, ông Nguyễn Thanh Hải nói.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng tâm lý sính ngoại của người Việt là bài toán khó cho Bkav
Cùng quan điểm đó, bà Huệ lại cho rằng, một trong những điều làm đau đầu nhà lãnh đạo Bkav không phải vấn đề về giá mà chính là thương hiệu.
"Khi người tiêu dùng lựa chọn smartphone dòng cao cấp thì thương hiệu sản phẩm là yếu tố chiếm trọng số lớn nhất.
Trong khi một số thương hiệu lớn khác đang tạo được sự trung thành cũng như niềm tự hào của người dùng đối với sản phẩm của họ thì Bphone sẽ không thể giải quyết vấn đề trong ngày một ngày hai", bà Huệ khẳng định.
Còn theo đại diện MediaMart: “Việc phân phối và định vị các sản phẩm cao cấp đặc biệt trong giai đoạn đầu tung ra thị trường cần nhiều hơn các chính sách ưu đãi mua sắm cho người dùng.
Hãng có thể đề ra các chương trình liên kết bán hàng với bên thứ 3, các ưu đãi đặc quyền về dịch vụ cao cấp gia tăng như các chương trình kết hợp với nhà mạng ưu đãi gói cước, thanh toán qua thẻ tín dụng, ưu đãi trả góp...
Chúng ta cùng chờ đợi các chính sách này từ Bkav".