Sau Tết, bún riêu "đội" giá 80.000 đồng/tô

Vũ Vũ |

(Soha.vn) - Với những đoàn khách đông từ 5 – 7 người, nếu ghé vào một quán ăn bình dân, khi đứng dậy, rất có thể sẽ té ngửa vì số tiền phải trả có khi lên tới hàng triệu đồng.

Bắt đầu từ ngày mùng 3 Tết, nhiều chợ và hàng quán đã mở cửa trở lại với giá tăng khoảng 15% đến 30% so với trước Tết do nguồn hàng còn khan hiếm.

Mặt hàng chủ yếu được bán tại chợ là rau xanh, trái cây, thịt và một số loại thủy sản nước ngọt như cá lóc, điêu hồng, rô phi...

"Bao giờ cũng vậy, cứ ra Tết là cá rất đắt đỏ vì mấy ngày Tết, mọi người đã ngán ngẩm với các món giò, chả, thịt mỡ, thịt gà,…nên những ngày đầu xuân, muốn đổi món cho ngon miệng" - chị Hoa, một chủ cửa hàng cá tại chợ cóc ở phố Hoàng Văn Thái (Hà Nội) chia sẻ.

Chính vì lẽ đó, giá mặt hàng cá tăng vọt so với ngày thường. Cá rô phi được bán với mức giá 55.000 đồng/kg, thay vì 35.000 đồng/kg so với trước Tết ; Cá chép cũng tăng lên thành 75.000 đồng/cân, trong khi giá trước đó bán khoảng 50 – 60.000 đồng/cân…

Một số mặt hàng rau xanh cũng đội giá một cách "phi mã". Rau cần 5.000 đồng/mớ, tăng 20% so với trước Tết, su hào 5.000 đồng/củ, tăng 2.000 đồng/củ, rau muống được bán với giá 10.000 đồng/mớ, thay vì 5.000 đồng/mớ như trước Tết.

Rau xanh tăng giá sau Tết

Rau xanh tăng giá sau Tết .(Ảnh: Vũ Vũ)

Một số món rau luộc, rau thơm trở thành món ăn được chuộng nhất sau Tết. Theo đó, xà lách búp Đà Lạt có giá từ 30.000-50.000 đồng/kg, rau thơm các loại 25.000-30.000 đồng/kg, giá đỗ 12.000 đồng/kg, bắp cải 15.000 đồng/kg, mướp đắng 20.000 đồng/kg…

Bà Nguyễn Thu Lý (người bán thịt tại chợ Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết: “Do vẫn đang trong dịp nghỉ Tết, nhiều gia đình chưa đi làm trở lại, các hộ giết mổ lợn do kiêng cữ đầu năm vẫn chưa động dao kéo, vì vậy, nguồn hàng thiếu. Theo đó, giá thịt cũng nhích tăng trong mấy ngày này, cụ thể như xương ống tăng thêm 2.000 đồng/kg so với ngày trước Tết. Thịt bò bán với giá 30.000 đồng/cân, tăng 5.000 đồng/cân”.

Với nhu cầu du xuân, đi lễ chùa của người dân tăng cao trong dịp đầu năm mới, giá các loại hoa quả trong ngày mùng 1 – mùng 5 Tết đã vọt lên khoảng 10- 15%.

“Chúng tôi đã mở hàng trái cây từ ngày mùng 3, khách mua khá đông, chủ yếu mua để cúng tiễn Tết, đi lễ chùa hoặc làm quà tặng trong những ngày này” – ông Linh, chủ sạp trái cây trên đường Bưởi (Hà Nội) bật mí.

Bên cạnh các loại thực phẩm, rau xanh đội giá thì các quán ăn cũng được dịp "tát nước theo mưa".

Ngay từ sáng sớm mùng 1, trên các con phố cổ của Hà Nội, hàng loạt những quán ăn vỉa hè mọc lên như Hàng Mành, Hàng Nón, Hàng Điếu, Hàng Đào, không khí người bán kẻ ăn đã tấp nập, khách hàng nhộn nhịp. Giá cả theo đó cũng đắt hơn ngày thường, 1 bát phở gà, bò khoảng 50.000 đồng, miến lươn khoảng 60.000 đồng- 80.000 đồng/bát.

Sau Tết, cá rô phi được bán với mức giá 55.000 đồng/kg, thay vì 35.000 đồng/kg so với trước Tết.
Sau Tết, cá rô phi được bán với mức giá 55.000 đồng/kg, thay vì 35.000 đồng/kg so với trước Tết.

"Nhân tiện đi lễ chùa Hà, quá giờ cơm trưa, tôi có ghé qua bên đường ăn bát bún gà. Cũng tâm niệm vào những ngày đầu năm này, những món ăn đó thể nào cũng tăng giá nhưng tôi không ngờ, nó tăng nhiều đến vậy. Biết thế, tôi chịu khó về nhà ăn cho đỡ tốn tiền” – chị Bùi Thị Nhâm (Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) tiếc rẻ.

Với những đoàn khách đông từ 5 – 7 người, nếu ghé vào một quán ăn vỉa hè bình dân nhất, khi đứng dậy, rất có thể sẽ té ngửa vì số tiền phải trả có khi lên tới hàng triệu đồng. Bởi lẽ, bún riêu tăng đột biến từ 20.000 lên 80.000 đồng/tô, trà nóng cũng tăng từ 3000 đồng lên 15.000 đồng/cốc, bánh cuốn cũng lên tới 40.000 đồng đến 60.000 đồng thay vì 30.000 một đĩa như những ngày thường.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại