Văn phòng 1 nhân viên, giám đốc chơi game
Nắm trong tay danh sách các công ty du lịch khá "nổi tiếng" về tổ chức tour... kém chất lượng - có thể đang nằm trong "tầm ngắm" của các cơ quan chức năng, chúng tôi thực hiện một cuộc khảo sát bắt đầu từ Công ty B.S.C.V nằm trong một con hẻm ở quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Đang mùa kinh doanh của ngành du lịch nhưng văn phòng của công ty này rất vắng, chẳng có người khách nào ngoài một ông giám đốc trẻ măng và một cô nhân viên. Thiết bị làm việc chỉ có 1 máy fax, 1 quyển niên yết giám, 1 quyển chương trình tour và 1 máy vi tính. Ngồi gần cả buổi sáng ở công ty, chúng tôi thấy cô nhân viên chỉ làm mỗi một việc là fax chương trình chào mời tour đến các công ty trong quyển niên giám, còn ông giám đốc thì... chơi games! Xem qua một số tour của công ty, chương trình rất đơn giản, ít điểm tham quan, phần lớn chỉ đưa du khách đến các chùa, nhà thờ là những nơi vào cổng... miễn phí.
Tại Công ty X.P.C ở quận Tân Bình, chương trình tour của công ty này phần lớn là bản copy chương trình của Công ty hướng dẫn du lịch Việt Nam, chỉ có giá bán là rẻ hơn khoảng 5%.
Thậm chí, Công ty V.B.S.C ở quận 3 còn "bê" nguyên xi chương trình tour của công ty Vietravel (còn nguyên logo) để chào mời khách hàng. Một nhân viên ở đây nói: "Giá cả thì chị muốn tính bao nhiêu cũng được, đảm bảo không nơi nào phục vụ rẻ bằng nơi đây!".
Ở các công ty khác như Công ty S.N trên đường T.H.T (quận 10), Đ.V trên đường N.V.L (quận Gò Vấp), L.X trên đường N.T (quận Tân Bình)... , chúng tôi thấy cũng một kiểu hoạt động tương tự. Điều đáng nói là các công ty này còn bán tour cho rất nhiều du khách nước ngoài, nhất là khách Hàn Quốc, Nhật, Nga...
Theo Sở Du lịch TP.HCM, hiện thành phố có trên 8.000 DN đăng ký kinh doanh chức năng hoạt động lữ hành nhưng chỉ có khoảng 350 DN đủ điều kiện kinh doanh, số còn lại không đủ điều kiện kinh doanh hoặc chưa đi vào hoạt động.
“Treo đầu dê, bán thịt chó”
Tình trạng tổ chức tour với giá “bèo”, chất lượng theo kiểu "cho có" của nhiều công ty du lịch làm ăn theo kiểu "chụp giựt" chủ yếu nhắm vào đối tượng du khách là CBCNV, giáo viên, học sinh... Chị Thu Hoa, giáo viên một trường trung học phổ thông ở quận 8 cho biết: "Hè năm trước, trường đăng ký cho học sinh đi du lịch 1 ngày tại Vũng Tàu. Đi chơi về đứa nào cũng than đói, than khát bởi cả ngày mà chỉ phát có 1 chai nước, ăn sáng thì bánh mì, trưa ăn cơm hộp là xong, đến chiều về luôn...".
Bà Trần Thị Kim Hồng (ngụ trên đường Điện Biên Phủ, P.17, quận Bình Thạnh đi tour Campuchia do công ty T. tổ chức kể: "Từ Siem Reap đến thủ đô Phnom Penh bằng tàu cao tốc nhưng hướng dẫn viên chỉ đưa chúng tôi đến bến tàu, sau đó để du khách tự thân vận động. Lúc từ ghe máy chuyển lên tàu cao tốc, có một nhóm trẻ em giành xếp vali của du khách rồi đòi mỗi người 1 USD. Chưa hết, số khách trên tàu lại nhiều hơn mức cho phép. Tiếng người la ó giành chỗ ngồi, phao cứu hộ; tiếng trẻ con khóc la vì quá chật... Không ai còn hứng thú ngắm phong cảnh, chỉ lo sợ nhỡ tàu xảy ra sự cố...".
Ngay cả khách hàng cẩn thận ký hợp đồng chi tiết trước cũng không yên tâm. Chị Hà, một du khách kể: "Vừa rồi tôi đăng ký du lịch Phan Thiết - Mũi Né - Hòn Rơm 3 ngày, 2 đêm với giá 800.000 đồng/vé. Nhìn vào hợp đồng thấy ghi rõ đi xe đời mới có máy lạnh, ghế bật, ti vi; ăn 5 món, nước 3 chai/người, có bảo hiểm du lịch, ở resort 3 sao. Ai ngờ đến lúc nhận phòng mới phát hiện chỉ là nhà trọ cũ kỹ, hôi hám không sao ngủ được...! Hướng dẫn viên thì cứ dẫn vào các lò nước mắm, lò bánh kẹo".
Những công ty làm ăn kiểu "chụp giựt" nói trên thường chỉ hoạt động vào mùa du lịch cao điểm như Tết, lễ, hè và thường xuyên đổi tên công ty, chuyển địa chỉ.... Theo nhiều công ty lữ hành, Luật Du lịch đã có hiệu lực từ 1/1/2006 tuy nhiên trong luật vẫn chưa có những chế tài về các vi phạm này. Do đó nghị định hướng dẫn thi hành luật cần quy định thật cụ thể về bảo vệ môi trường du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách; thanh kiểm tra các doanh nghiệp du lịch; có quy định chế tài nghiêm khắc các công ty kinh doanh kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó" nói trên.
Ví dụ một tour cùng về Phan Thiết 2 ngày 1 đêm, công ty X. chào giá 350.000 đồng/người, còn công ty Y. chỉ có 300.000 đồng/người. Tuy rẻ hơn 50.000 đồng, nhưng ẩn chứa nhiều điều mà không ít người sau chuyến đi, về nhà bực tức vì có cảm giác bị lừa! Nhiều công ty du lịch lớn cho biết, nhờ có đối tác nên họ có thể làm tour giá rẻ nhưng vẫn giữ được chất lượng cho khách hàng ruột, tuy nhiên loại tour này không nhiều.
Còn các công ty làm tour giá rẻ, bắt buộc phải kèm theo dịch vụ kém hoặc cắt bớt một số dịch vụ. Chọn tour 300.000 đồng, nhưng xe cũ kỹ, không đủ lạnh, phần ăn trung bình 18.000 đồng/phần, họ chỉ đặt 15.000 đồng, chưa nói đến việc chêm ghế trẻ em vào (mặc dù cũng tính tiền bằng 1/2 giá tour người lớn), nước uống không đủ...
Khi chọn tour, anh cần xem xét kỹ những quy định ràng buộc trong hợp đồng. Các công ty du lịch uy tín thể hiện rất rõ trong hợp đồng hoặc tờ chương trình đính kèm. Ví dụ: loại xe gì, bao nhiêu chỗ ngồi, có máy lạnh hay không. Ở đâu, nhà rông (tập thể hay cá nhân, hai người), khách sạn có nhiều loại, nhưng loại nào... Còn những công ty làm ăn theo kiểu chụp giựt thường mập mờ, người mua tour không để ý rất dễ bị dính. Ví dụ cho khách bao nhiêu chai nước uống mỗi ngày, có khăn lạnh hay không... họ không ghi rõ ràng. Có chương trình giá rẻ nhưng ăn sáng tự túc - khách phải tự trả tiền, nếu tắm biển phải tự thuê ghế, dù...
Ðã có trường hợp trong chương trình ghi uống rượu cần, xem múa cồng chiêng Tây Nguyên nghe có vẻ hấp dẫn, sau khi khách thưởng thức vừa xong, hướng dẫn viên thông báo cùng góp tiền vào trả, vì khoản này nằm ngoài chương trình. Khi chọn tour người đi du lịch cũng cần xem công ty có mua bảo hiểm tai nạn trong những ngày đi tour hay không.
Việc một số công ty du lịch cho thêm điểm tham quan vào chương trình đánh lừa tâm lý của khách là được tham quan nhiều, chương trình phong phú hơn..., nhưng thực ra họ đưa đến những điểm tham quan không cần phải mua vé. Một số tour có chương trình dành thời gian mua sắm rất nhiều (đánh vào tâm lý thích mua sắm của khách, nhất là nữ), chẳng hạn như đi du lịch Thái Lan hay Singapore giá rẻ, có công ty cho khách tha hồ mua sắm để giết thời gian, công ty khỏi phải trả tiền phí xe cộ đi lại, phí tham quan ở các điểm du lịch.
Khối u nhọt nhức nhối
Ông Hoàng Ngọc Thái, giám đốc công ty du lịch Quốc tế Hoàng Gia (TP.HCM) đánh giá, hoạt động của các công ty lữ hành "ma" được ngành du lịch xem là khối u nhọt nhức nhối. Muốn ngành du lịch Việt Nam phát triển thì những “khối u nhọt” này cần phải bị tiêu diệt. Thực tế, thời gian qua, các công ty lữ hành "ma" mọc lên như nấm sau mưa. Hoạt động của các công ty này đa số là lừa đảo, trục lợi từ niềm tin của khách hàng. Sự việc này khiến các công ty lữ hành làm ăn uy tín bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước thực tế đó, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xử lý nghiêm các công ty "ma" này để giúp cho thị trường du lịch Việt Nam có thể cất cánh phát triển.
Hiện nay, nhiều công ty lữ hành có thương hiệu, hoạt động uy tín tại TP.HCM thừa nhận rằng, thời gian vừa qua, họ liên tục nhận được sự phản ánh của nhiều khách hàng bị lừa đảo. Vào những ngày lễ, Tết hàng năm, các công ty lữ hành "ma" xuất hiện nhan nhản, tung ra hàng loạt chiêu trò để lôi kéo khách hàng.
Anh Trần Quốc Khánh (Công ty TNHH Trần Gia) kể, năm ngoái, gia đình anh khốn khổ vì đi du lịch Sa Pa. Ban đầu, cả nhà sung sướng khi đăng ký tour giá rẻ hơn bình thường đến 700.000 đồng/người. Nhưng đến Sa Pa rồi mới biết, khách sạn tiêu chuẩn ba sao trong hợp đồng chỉ bằng phòng trọ bình dân, nằm cách xa khu trung tâm đến vài cây số. Xe ô tô cũ nát và không có điều hòa. Nhà hàng đặc sản bị biến thành quán cơm bình dân, thậm chí, 28 người trong đoàn chỉ được xếp 4 mâm. Nhiều du khách bức xúc vì chất lượng bữa ăn quá tệ, gọi thêm món thì bị tính với mức giá "trên trời". "Sở dĩ, các công ty lữ hành chui vẫn sống khỏe vì nắm được tâm lý chuộng giá rẻ của khách", ông Trần Quốc Khánh rút ra kinh nghiệm.
Nhiều công ty "ma", không có giấy phép kinh doanh và chất lượng dịch vụ kém ra đời. Các doanh nghiệp này sẵn sàng "bán" khách để hưởng hoa hồng. Vì vậy, khi đặt tour, du khách nên chọn những công ty có uy tín trên thị trường. Bởi với họ, chữ tín và chất lượng dịch vụ luôn được đặt lên hàng đầu.
Để du khách có được chuyến hành trình như ý, theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, Trưởng phòng Tiếp thị, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, trường hợp khách lẻ khi đăng ký tour cần xem kỹ nội dung tour, từng hạng mục có trong chương trình. Nếu khách đi theo đoàn thì tốt nhất nên lựa chọn những thương hiệu có uy tín để được phục vụ chuyên nghiệp và chu đáo, tránh những thiếu sót không đáng có xảy ra.
Với những công ty mới, trước khi đăng ký tour, du khách cần yêu cầu doanh nghiệp đưa ra chương trình chi tiết cụ thể như: thời gian đi về, những điểm tham quan cụ thể, di chuyển bằng xe ô tô loại gì, ở khách sạn nào, tiêu chuẩn ra sao, mỗi ngày được ăn mấy bữa, tiêu chuẩn từng bữa ăn… nhất là phải có bảo hiểm du lịch.