Trong thời buổi kinh tế thế giới vẫn trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng thì bức tranh kinh tế trong nước cũng không có gì sáng sủa hơn. Rất nhiều tập đoàn lớn, luôn làm ăn có lãi nay cũng đứng trước những khó khăn chất chồng. Hầu hết nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do vấn đề nguồn vốn của công ty bị hạn hẹp, trong khi đó ngân hàng siết chặt nguồn vốn cho vay, lãi suất ngân hàng nhảy vọt.
Vinaconex bị nợ gần 2.000 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), 6 tháng, khoản phải thu khách hàng của VCG là 1.996 tỷ đồng, vượt xa con số 800 tỷ đồng mà Vinaconex đang nợ các ngân hàng.
Trong đó, khoản phải thu của Sở xây dựng Hà Nội là 1.063 tỷ đồng. Còn khoản phải thu của 2 đơn vị ngành điện là Công ty cổ phần Thủy điện Cửa Đạt và Ban dự án Thủy điện 5 (Buôn Tuarash, Buôn Kuốp) lần lượt là 274 tỷ và 321,1 tỷ đồng. Trong đó, Ban dự án Thủy điện 5 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN.
Đồng thời, cũng theo báo cáo trên, chi phí lãi vay ngân hàng của Vinaconex mẹ trong quý II tăng khá cao, tới gần 30 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2011 (từ mức 80,57 tỷ lên 108,79 tỷ đồng). Lãi vay ngân hàng 6 tháng là 242 tỷ đồng.
Các khoản nợ phải thu của Vinaconex trong 6 tháng đầu năm. Đơn vị: Tỷ đồng
Phát biểu về việc Vinaconex mẹ mặc dù lãi sau thuế quý
II hơn 127 tỷ đồng, nhưng tính chung cả 6 tháng vẫn lỗ hơn 757 tỷ đồng,
đại diện VCG cho rằng, hiện, hầu hết các đơn vị trong ngành xây dựng
đều gặp rất nhiều khó khăn.
Đồng thời, lãi vay ngân hàng lên tới mười mấy phần trăm, trong khi lợi nhuận biên của các công ty xây dựng chỉ khoảng 3,5%. "Kinh doanh thế này thì rất khó có lợi nhuận", vị này nói.
PVFC cũng dính nợ nghìn tỷ từ Vinashin, Vinalines
Theo báo cáo tài chính 6 tháng (được soát xét bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam) của Tổng Công ty Tài Chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), tại thời điểm 30/6/2012, PVFC vẫn còn 2 khoản nợ lên tới hơn 100 triệu USD chưa đòi được từ 2 ông lớn oai hùng một thời là Vinashin và Vinlines.
Các công ty thuộc Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vay của PVFC gần 1.070 tỷ đồng (khoảng 51,3 triệu USD). Còn các công ty thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vay hơn 1.686 tỷ đồng (khoảng gần 81 triệu USD). Khoản Vinashin vay PVFC được thực hiện từ năm 2009, còn của Vinalines từ năm 2011.
Các khoản vay này hiện được giữ nguyên trạng và khoanh lại để cơ cấu theo chỉ đạo của nhà nước - Deloitte lưu ý trong báo cáo kiểm toán PVFC. Cũng theo báo cáo này, PVFC đang tiếp tục làm việc với Vinashin, Vinalines và các cơ quan quản lý nhà nước có thầm quyền về phương án xử lý và thu hồi các khoản nợ trên.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng, tổng tài sản của PVFC là hơn 94.527 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ phải trả chiếm phần lớn, khoảng 87.634 tỷ đồng.
Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự là 3.375 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi và các chi phí tương tự trên 4.060 tỷ đồng, khiến thu nhập lãi thuần của PVFC âm 685 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của PVFC đạt gần 170 tỷ đồng.
Nợ đủ tiêu chuẩn 6 tháng giảm khoảng 2.000 tỷ đồng (từ 42.712 tỷ đồng đầu năm xuống 40.914 tỷ). Nợ cần chú ý tăng gấp đôi, từ 1.241 tỷ đầu năm lên 2.883 tỷ sau 6 tháng. Nợ nghi ngờ cũng tăng khoảng 200 tỷ, từ 171 tỷ đầu năm lên 370 tỷ. Nợ có khả năng mất vốn tăng từ 616,6 tỷ đầu năm lên 653,8 tỷ đồng 6 tháng.
Quốc Cường Gia Lai lãi 2,4 tỷ đồng vẫn nặng nợ nghìn tỷ
Ngay cả Quốc Cường Gia Lai cũng không thể thoát được vòng xoáy của khủng hoảng, nợ nần. Trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất và báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2012 cho thấy cả quý công ty đạt doanh thu 42,2 tỷ đồng, bằng 36% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu năm đến hết quý II, doanh thu đạt 130,6 tỷ đồng, bằng 88% cùng kỳ.
Nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh, còn 29 tỷ đồng, chỉ bằng 29% so cùng kỳ do đó lợi nhuận gộp vẫn còn 13 tỷ đồng. Lũy kế 2 quý đầu năm, công ty có 22,5 tỉ đồng lợi nhuận gộp.
Tồn kho của QCG còn gần 3.500 tỷ đồng, trong đó "đọng" ở dự án Phước Kiển gần 1.700 tỷ đồng.
Trong khi doanh thu hoạt động tài chính trong quý tăng lên 21,9 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ thì chi phí tài chính giảm còn 29 tỷ đồng (hoàn toàn là trả nợ lãi vay) so với mức 36,6 tỷ đồng cùng kỳ (có 32,6 tỷ đồng là chi phí lãi vay).
Sau khi trừ các khoản chi phí khác và thuế thu nhập doanh nghiệp, trong quý II, công ty lãi 2,4 tỷ đồng, bằng 7% so cùng kỳ. Cộng dồn nửa đầu năm, QCG vẫn ghi nhận lỗ 1,4 tỷ đồng, so mức lãi của cùng kỳ 2011 là 62,6 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả cuối kỳ là 3.061,6 tỷ đồng, tăng so đầu năm (2.961,3 tỷ đồng) trong đó nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao hơn, với 1.966,7 tỷ đồng, gần gấp đôi nợ dài hạn.
Tổng các khoản vay ngân hàng của QCG đến thời điểm kết thúc quý II khoảng 1.019,36 tỷ đồng, đã giảm so mức 1.037,77 hồi đầu năm. Cán cân tiền mặt của QCG còn 16,9 tỷ đồng, trong đó tiền mặt đạt 2,3 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng 14,6 tỷ đồng.
Như vậy, gánh nặng nợ chẳng còn phải là vấn đề của các doanh nghiệp nhỏ như chúng ta vẫn thường nghĩ mà nó đang là một vấn đề nhức nhối đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Nếu không có những biện pháp kích thích, vực dậy nền kinh tế trong nước thì với sức lan tỏa của nó, chẳng mấy chốc kinh tế của cả nước sẽ trở nên què quặt, biến thành "con nợ".